-
THÁNG 07
07
Thứ 2
(TITC) - Năm 2025 là thời điểm có ý nghĩa to lớn đối với ngành Du lịch Việt Nam - dấu mốc tròn 65 năm hình thành, xây dựng và phát triển. Nhìn lại hành trình đã qua, từ những bước đi đầu tiên trong bối cảnh kháng chiến cứu quốc, đến khi hội nhập quốc tế trong thời kỳ đổi mới và mở cửa của đất nước, cho đến vươn mình trở thành một ngành kinh tế lớn của đất nước, ngành Du lịch Việt Nam đã viết nên một câu chuyện phát triển đầy tự hào, khẳng định vị thế, bản lĩnh và vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bác Hồ trò chuyện với anh hùng Titov và các bạn Liên Xô trên tàu tham quan vịnh Hạ Long năm 1962. Ảnh tư liệu 09/7/1960 - Dấu mốc khai sinh ngành Du lịch Việt Nam
Ngày 09/7/1960, theo Nghị định số 26/CP của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Công ty Du lịch Việt Nam được thành lập, chính thức đánh dấu sự ra đời của ngành Du lịch nước nhà. Trong bối cảnh chiến tranh, khi cả nước đang dồn sức cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, việc xác lập một lĩnh vực kinh tế mới như du lịch là một bước đi táo bạo, mang tính chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước.
Dù còn non trẻ, ngành Du lịch Việt Nam thời kỳ đầu đã được tổ chức một cách bài bản nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đón và phục vụ các đoàn khách của Đảng, Nhà nước ta, các đoàn chuyên gia quốc tế đến đóng góp vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Không chỉ vậy, hoạt động du lịch còn phục vụ cán bộ, thương bệnh binh và công nhân nghỉ dưỡng. Các cơ sở lưu trú, điểm nghỉ dưỡng lần lượt hình thành tại các vùng có khí hậu mát mẻ, cảnh quan đẹp như Sa Pa, Tam Đảo, Đồ Sơn...
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, ngành du lịch bước vào giai đoạn mới, tiếp quản và phát triển hệ thống du lịch ở các tỉnh, thành phía Nam như Sài Gòn, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ, Côn Đảo... Những trung tâm du lịch tiềm năng dần được khôi phục và đưa vào vận hành, làm tiền đề cho giai đoạn phát triển sôi động sau này.
Thời kỳ đổi mới và mở cửa: Hội nhập quốc tế, phát huy vai trò một ngành kinh tế quan trọng
Bước ngoặt quan trọng đến từ năm 1986, khi đất nước thực hiện công cuộc Đổi mới và mở cửa hội nhập. Du lịch từ một ngành chủ yếu phục vụ nội bộ và đối ngoại, đã chuyển mình trở thành ngành kinh tế có sức hút đầu tư, tiềm năng tăng trưởng cao và khả năng lan tỏa rộng đến nhiều lĩnh vực khác.
Năm 1992, Tổng cục Du lịch được thành lập, đánh dấu sự nâng tầm trong công tác quản lý nhà nước đối với ngành. Các chính sách khuyến khích phát triển du lịch dần được hoàn thiện. Đặc biệt, các văn kiện như Chỉ thị 46 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (1994) về "Lãnh đạo đổi mới và phát triển du lịch trong tình hình mới". Đặc biệt, Thông báo Kết luận 179 của Bộ Chính trị (1998) về “Phát triển du lịch trong tình hình mới”. Đây là văn bản chỉ đạo đặt nền tảng cho nhiều văn bản, chính sách, cơ chế quan trọng cho Du lịch Việt Nam thời kỳ đổi mới, bao gồm Pháp lệnh Du lịch (1999), Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch (1999), Chương trình Hành động Quốc gia về Du lịch (2000), Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2001-2010.
Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm chủ trì phiên họp lần thứ ba Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch. Ảnh tư liệu Sau đó gần 20 năm, vào năm 2017, Bộ Chính trị lại ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất của Đảng, Nhà nước nhằm kiến tạo cơ sở pháp lý và động lực mạnh mẽ để ngành Du lịch phát triển bứt phá.
Giai đoạn 1990-2019 chứng kiến thời kỳ tăng trưởng liên tục của ngành Du lịch. Lượng khách quốc tế năm 2019 đạt 18 triệu lượt, cao gấp 72 lần so với năm 1990 (250 nghìn lượt); lượng khách nội địa đạt 85 triệu lượt; tổng thu du lịch đạt 755 nghìn tỷ đồng; du lịch đóng góp 9,2% GDP. Các thị trường quốc tế quan trọng như Đông Bắc Á, ASEAN, châu Âu, Mỹ, Úc… dần được mở rộng. Năng lực cạnh tranh được cải thiện nhờ việc đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Mạnh mẽ vượt qua đại dịch, vững vàng tiến bước vào kỷ nguyên mới
Giai đoạn 2020-2025 chứng kiến những nỗ lực mạnh mẽ của ngành du lịch để vượt qua đại dịch COVID-19, thử thách khắc nghiệt chưa từng có trong lịch sử. Ngành du lịch Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề: các đường bay quốc tế ngưng trệ, hoạt động du lịch “đóng băng”, có thời điểm 90-95% doanh nghiệp du lịch phải dừng hoạt động, người lao động trong ngành mất việc làm, nhiều người phải chuyển sang lĩnh vực khác mưu sinh. Trong bối cảnh đó, việc khôi phục ngành du lịch trở thành nhiệm vụ cấp bách, mang tính sống còn.
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị phát triển du lịch nhanh, bền vững vào tháng 11/2023. Ảnh: Báo Chính phủ Với tinh thần chủ động, thích ứng linh hoạt, ngành Du lịch Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo để duy trì hoạt động và thích nghi với thực tiễn. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã thể hiện vai trò trung tâm trong việc tham mưu, kiến tạo chính sách, đưa ra nhiều đề xuất chiến lược nhằm “gỡ băng” cho ngành, thúc đẩy phục hồi trong điều kiện bình thường mới, trong đó có các chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh và đề xuất mở cửa trở lại du lịch khi dịch bệnh bị khống chế. Đây là giai đoạn ngành vừa phải ứng phó linh hoạt, vừa tạo nền tảng để phục hồi và bứt phá trong tương lai.
Ngay sau khi Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022, hàng loạt biện pháp đã được triển khai đồng bộ, nhất quán, thể hiện sự quyết liệt trong công tác tham mưu và chỉ đạo điều hành. Đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì 3 hội nghị lớn cấp quốc gia về du lịch chỉ trong vòng hơn 01 năm nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy du lịch phục hồi.
Kết quả sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đột phá, tiêu biểu như: Nghị quyết 82/NQ-CP (2023) về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh phục hồi và phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Chỉ thị 08/CT-TTg (2024) về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững; Công điện 06/CĐ-TTg (2024) yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác thống kê để phục vụ xây dựng chính sách du lịch; Quyết định 509/QĐ-TTg (2024) phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045; Công điện 34/CĐ-TTg (2025) về thúc đẩy phát triển du lịch, đảm bảo thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự vào chứng kiến lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác xúc tiến du lịch giữa Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng cục Du lịch Hàn Quốc trong khuôn khổ Diễn đàn Xúc tiến du lịch và Hợp tác văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc (tháng 7/2024) Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành các chính sách mới về miễn thị thực với thời hạn tạm trú nâng từ 15 ngày lên 45 ngày; cấp thị thực điện tử cho tất cả các nước với thời hạn tạm trú lên tới 90 ngày; miễn thị thực ngắn hạn cho Séc, Đức, Ba Lan theo chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025... qua đó đã mở đường cho việc thu hút mạnh mẽ khách quốc tế đến Việt Nam. Đáng chú ý, Chính phủ cũng vừa chính thức áp dụng giá bán lẻ điện cho các cơ sở lưu trú du lịch tương đương với các cơ sở sản xuất. Đây đều là kết quả của quá trình tham mưu kiên trì từ cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương, các bộ ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp, đã mang lại hiệu ứng tích cực rõ rệt.
Đồng thời, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cùng toàn ngành đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến quảng bá, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý, kinh doanh và quảng bá du lịch, khai thác tiềm năng quảng bá du lịch thông qua điện ảnh. Tăng cường liên kết du lịch với các lĩnh vực như văn hóa nghệ thuật, thể thao, nông nghiệp, đường sắt, hàng không, y tế, khoa học công nghệ… nhằm phát triển hệ thống sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, hấp dẫn. Tăng cường liên kết trong nước, triển khai kích cầu du lịch nội địa. Thúc đẩy hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế du lịch Việt Nam trên thế giới.
Lần đầu tiên Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ (tháng 9/2024) Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức xúc tiến quảng bá du lịch điện ảnh Việt Nam tại Liên hoan phim Cannes, Pháp (tháng 5/2025) Nhờ các chính sách trúng và đúng, du lịch Việt Nam đã có bước phục hồi ấn tượng. Năm 2022, lượng khách quốc tế đạt 3,7 triệu lượt, năm 2023 đạt 12,6 triệu lượt và năm 2024 đạt 17,6 triệu lượt, tương đương 98% so với năm 2019 - tỷ lệ phục hồi cao nhất trong khu vực ASEAN. Khách nội địa năm 2024 đạt 110 triệu lượt, tổng thu từ du lịch lên tới 840.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước. Sáu tháng đầu năm 2025, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, Việt Nam đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024; phục vụ 77,5 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch đạt 515 nghìn tỷ đồng. Du lịch được Chính phủ đánh giá là điểm sáng trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
Sự lớn mạnh của ngành Du lịch Việt Nam thể hiện rõ nét qua các con số: Cơ sở lưu trú tăng từ 350 cơ sở năm 1990 lên hơn 40.000 cơ sở năm 2025 với 700.000 buồng phòng, trong đó có hàng trăm khách sạn đạt tiêu chuẩn 4-5 sao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Doanh nghiệp lữ hành phát triển nhanh chóng: từ chỉ 4 đơn vị vào năm 1990 lên hơn 4.200 doanh nghiệp vào năm 2025. Đội ngũ hướng dẫn viên ngày càng đông đảo, hiện đã có tới hơn 44 nghìn thẻ hướng dẫn viên được cấp - minh chứng cho sự bùng nổ của nhu cầu thị trường, sự lớn mạnh và chuyên nghiệp hóa của đội ngũ doanh nghiệp, người lao động trong ngành.
Đây là những kết quả khẳng định sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam, đồng thời cho thấy khả năng thu hút đầu tư của du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - tiêu dùng - đổi mới sáng tạo.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á. Những nỗ lực của Du lịch Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế, các tổ chức giải thưởng, các hãng truyền thông quốc tế ghi nhận. Tiêu biểu là Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) đã 5 lần vinh danh Việt Nam là "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới"; 6 lần "Điểm đến hàng đầu châu Á". Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam 4 lần được vinh danh "Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á" (2017, 2021, 2022, 2023).
Thành tựu của ngành Du lịch Việt Nam trong 65 năm qua là kết quả của sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp, đối tác quốc tế và đặc biệt là tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, người lao động trong ngành du lịch.
Với khát vọng vươn xa, tinh thần đổi mới và niềm tin vào tương lai, ngành Du lịch Việt Nam sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới - toàn diện, chuyên nghiệp, bền vững, khẳng định vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh và thịnh vượng trong kỷ nguyên mới.
Theo: Cục du lịch quốc gia
TIN TỨC MỚI NHẤT
-
VIETNAM AIRLINES KHAI TRƯƠNG ĐƯỜNG BAY THẲNG GIỮA ĐÀ NẴNG VÀ OSAKAMonday 07, 2025
Vietnam Airlines khai trương đường bay thẳng giữa Đà Nẵng ...
-
VIETNAM AIRLINES TIÊN PHONG THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH CỦA NGÀNH HÀNG KHÔNGMonday 07, 2025
vietnam airlines tiên phong thúc đẩy tăng trưởng xanh của ...
-
VIETRAVEL AIRLINES ĐÓN MÁY BAY AIRBUS A321 ĐẦU TIÊN THUỘC SỞ HỮU CỦA HÃNGMonday 07, 2025
vietravel airlines đón máy bay airbus a321 đầu tiên thuộc ...
-
VIETJET ƯU ĐÃI LỚN DỊP 7-7: GIẢM ĐẾN 77% GIÁ VÉ TOÀN MẠNG BAYMonday 07, 2025
vietjet ưu đãi lớn dịp 7-7: giảm đến 77% giá vé toàn mạng ...
-
VIETNAM AIRLINES LIÊN DANH VỚI SAUDIA, TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG ĐÔNGMonday 07, 2025
vietnam airlines liên danh với saudia, tăng cường kết nối ...