QANTAS AIRWAYS BAY THẲNG PERTH ĐẾN LONDON – MỘT KỲ TÍCH HÀNG KHÔNG

QANTAS AIRWAYS BAY THẲNG PERTH ĐẾN LONDON – MỘT KỲ TÍCH HÀNG KHÔNG

Banner trang trong
  • THÁNG 03

    28

    Thứ 4

    Sau hành trình bay từ Perth (Úc) đến London (Anh) kéo dài 17 tiếng và 02 phút, một chiếc Boeing 787-9 của hãng Qantas Airways đã hạ cánh xuống sân bay Heathrow lúc 5g sáng (giờ London) ngày 25/3/2018, chính thức tái lập đường bay huyền thoại "Kangaroo route". Chuyến bay dài có 200 hành khách vượt chặng đường 14.999km. Nhớ rằng những năm 1940 khi bắt đầu bay đến Anh, Qantas đã phải mất 4 ngày với 7 chặng dừng.

    Hãy đọc bài viết của nhà báo Peter Nguyen Dung từ  cuối 8/2017 để tìm hiều về đường bay huyền thoại “ Kangaroo route”.

    Mới sáng nay, 31/8/2017, Qantas Airways thông báo kể từ 25/3/2018 sẽ tái khai thác đường bay nổi tiếng lịch sử vận chuyển hàng không thế giới “Kangaroo route”.

    Khởi hành từ Sydney, máy bay A380 của Qantas sẽ lại ghé sân bay quốc tế Changi trước khi tung cánh bay tiếp đến London. Từ tháng 4/2013 đến nay, các chuyến bay của Qantas cất cánh từ Sydney và Melbourne bay đi London đều ghé Dubai, kết quả từ một thỏa thuận hợp tác ký trước đó với hãng Emirates Airlines. Nhưng tình hình đã thay đổi khác, Qantas trở về với Changi Singapore khi nguồn khách châu Á bay châu Âu đang gia tăng.


    Trên chiếc De Havilland 86 chỉ có chỗ cho 10 hành khách bay Sydney-Singapore rồi chuyển sang nhiều loại máy bay khác mà bay tiếp đến London ở thật xa, bay mất nhiều ngày, dừng nhiều chặng (ảnh Qantas Airways)

    Ngoài ra, cùng thời điểm ấy Qantas sẽ khai trương đường bay non-stop Perth-London (hành khách có thể nối chuyến đi/đến từ Melbourne) thay vì tiếp tục khai thác tuyến bay Melbourne-Dubai-London như hiện nay. Tuyến bay thẳng, không chặng dừng mới này sẽ sử dụng máy bay tầm xa Boeing 787-9 với 236 ghế ở ba hạng thương gia, phổ thông đặc biệt và phổ thông.


    Nữ tiếp viên thanh lịch chờ bay từ Sydney đến London, dù hành trình dài, rất mệt. Phía sau là chiếc De Havilland 86 (ảnh Qantas Airways)

    Đây sẽ là đường bay xa hạng ba thế giới (14.498km), thời gian bay khoảng17 tiếng), sau đường bay Doha-Auckland (14.535km), khai thác bởi Qatar Airways và đường bay Delhi-San Francisco (trên 14.500km), nhờ có gió mạnh phía đuôi nên thời gian bay dưới 15 tiếng), bởi Air India. Và cũng từ tháng 3/2018, Qantas sẽ thay máy bay Airbus A330 bằng máy bay lớn A380 ở đường bay nối Melbourne với Singapore. Hãng hiện có 12 chiếc A380.


    Quý hành khách thanh lịch từ nón trên đầu xuống đến giày da, cao gót nơi chân khi bay xa. Thời xa xưa (ảnh Qantas Airways)

    Lịch sử hình thành Kangaroo Route
    Điều cần rõ: Qantas Airways là một trong ba “đàn chị” đáng kính của mọi hãng hàng không, thành lập từ tháng 11/1920, chỉ sau chị cả KLM (của Hà Lan, ra đời tháng 10/1919) và Avianca (của Colombia, tháng 12/1919). Tên Qantas là ghép từ “Queensland and Northern Territory Aerial Services”.


    Đây là chiếc Lockheed Super Constellation của Qantas dùng khai trương đường bay Kangaroo

    Qantas Empire Airways bắt đầu bay nối kết Úc với Anh kể từ năm 1935 với hành trình dài lê thê. Trước nhất, hành khách khởi hành từ Brisbane bay đến Singapore trên chiếc máy bay cánh quạt De Havilland DH86 chỉ có thể chở được 10 hành khách. Nghe thì dễ lọt tai chứ khi ấy, riêng hành trình này đã kéo dài hơn 3 ngày, qua 10 chặng dừng tại Úc và Indonesia.


    Connoisseur (Sành điệu) khi bay xa với Qantas, từ Sydney đến San Francisco (ghé Fiji, Honolulu)

    Rồi từ Singapore, hành khách chuyển lên thủy phi cơ của hãng Imperial Airlines (nay là British Airways) rồi cứ thể bay qua 12 ngày mới đến nơi (gồm 10 chặng dừng chính là Darwin, Singapore, Rangoon, Karachi, Cairo, Brindisi, Paris, London). Tổng chiều dài hành trình là 20.525km!

    Tháng 10/1947, Qantas Empire Airways khai trương đường bay liên lục địa mà sau này trở thành niềm tự hào – hoàn toàn xứng đáng - của hãng với tên gọi Kangaroo Route, từ Sydney đến London. Khi ấy, hãng sử dụng máy bay Constellation 4 động cơ cánh quạt của nhà sản xuất Lockheed (Mỹ), hành trình bay kéo dài 4 ngày với các chặng dừng tại Darwin (ở phía Tây-Bắc nước Úc), Singapore, Calcutta (Ấn Độ), Karachi (Pakistan ngày nay), Cairo (Ai Cập) và Tripoli (Lybie). Tổng cộng số giờ bay trên không là 55 tiếng đồng hồ.


    Mô hình một chiếc Super Constellation trong Bảo tàng Di sản Qantas, sân bay quốc tế Kingsford Smith, Sydney (ảnh p. Nguyễn Dũng)

    Trong những năm 1950, hãng chuyển sang sử dụng máy bay hiện đại hơn Super Constellation có gắn máy lạnh, hành khách ngồi ghế rộng, có thể ngả lưng sau ra phía sau, lối đi rộng hơn máy bay ngày nay. Thời ấy toàn cabin máy bay, từ đầu đến đuôi chỉ có một hạng duy nhất, ai ai cũng trang phục rất lịch sự, giao tiếp thanh lịch với nhau ở bar rượu trên trời. Nam mặc bộ complet, thắt cà vạt, giày da bóng láng, nữ mặc váy dài, cổ đeo chuỗi ngọc, mang giày cao gót. Vì khi ấy vé bay xa rất đắt chỉ có dân nhà giàu mới có tiền để bay. Đáp máy bay thời ấy không hề rẻ như bây giờ nên không có hãng nào có thể khoe “Everyone Can Fly” như hãng vé rẻ AirAsia làm từ 15 năm qua. Nhưng dù là bay với Super Constellation thì 4 động cơ cánh quạt vẫn ồn ào lắm, không thể yên ắng như khi bay với Airbus A350-900 hiện nay!


    Qantas từng dùng Boeing 747 bay đường chuột túi từ Sydney/Melbourne đến London (ảnh P. Nguyễn Dũng)

    Mãi đến năm 1959, Qantas Airways chuyển sang thời kỳ bay xa bằng máy bay phản lực, sử dụng chiếc Boeing 707 để bay từ Sydney đến San Francisco. Năm 1971, máy bay jumbo Boeing 747 chính thức xuất hiện ở đường bay chuột túi của Qantas. Và rồi là các loại máy bay thân rộng tầm xa Boeing 777 và Airbus A380. Hành trình bay Sydney-London nay chỉ còn khoảng 22-24 tiếng với một chặng dừng.

    Về cốt lõi truyền thống thì Kangaroo Route là tuyến bay nối kết Sydney với London, khai thác bởi Qantas Airways. Nhưng sau đó, nhiều hãng đối thủ cũng tham gia, có hãng bay nối xa hơn (chẳng hạn xuống đến New Zealand), tỏa rộng hơn (sang Bắc Mỹ, châu Âu)... và cũng được hiểu là đường bay chuột túi. Chẳng hạn như hành trình bay Sydney (hoặc Melbourne) đến Sài Gòn rồi bay tiếp đến London Heathrow mà Vietnam Airlines khai thác cũng từng được giới chuyên ngành hàng không quốc tế gọi là đường bay chuột túi, đơn giản vì có nối kết thị trường Úc, giang sơn của kangaroo.

    Bảo tàng Sưu tập Di sản máy bay Qantas tại sân bay Sydney, Kingsford Smith (ảnh P. Nguyễn Dũng)

    Sẽ có Kangaroo Tốc hành?!
    Không bằng lòng với việc bay Kangaroo Route với một chặng dừng trong thời hiện đại, Qantas Airways còn “thách thức” hai nhà sản xuất máy bay Airbus và Boeing chế tạo “siêu máy bay” hoạt động tầm cực xa để Qantas Airways có thể chở hành khách bay non-stop từ Sydney đến London, New York kể từ năm 2020.

    Hãng cho rằng với máy bay hiện đại bay được xa hơn mà không cần dừng tiếp nhiên liệu, hành trình bay từ Sydney đến London sẽ giảm được 240 phút bay và từ Melbourne đến New York giảm được 180 phút.

    Để bay non-stop Sydney-London trong thời gian 20 tiếng, máy bay cần có tầm hoạt động trên 16.700km (kiểu A350-900 hiện nay, nếu thiết kế 325 ghế, tầm hoạt động 15.000km). Airbus đang phát triển phiên bản tầm cực xa A350-900ULR (Ultra Long Range) bay 17.800km còn Boeing phát triển kiểu 777-8X, nếu thiết kế cho 350 ghế, tầm bay chỉ khoảng 16.000km.

    Nguồn: Bài viết và ảnh của Nhà báo Peter Nguyễn Dũng

Thong ke

TIN TỨC MỚI NHẤT

Lịch