Mê mẩn Phượng Hoàng cổ trấn từ lâu và bất ngờ tôi có cơ hội được đến với Phượng Hoàng cổ trấn vào đầu hè 2017. Thời tiết cũng chưa nóng lắm nên chấp nhận được, nhưng chắc vào mùa Thu hay mùa Xuân sẽ thích hơn.
Nói đến Phượng Hoàng cổ trấn thì ai cũng biết là một trấn cổ ở phía Tây huyện Hồ Nam, Trung Quốc, là thủ phủ của người Miêu. Những dấu ấn và bề dày lịch sử 1300 năm của cổ trấn còn hiện diện khắp nơi, trên từng con ngõ, ngôi nhà, cây cầu của trấn. Nơi đây được bảo tồn rất tốt về giá trị lịch sử, văn hóa và trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách quốc tế.
Trải qua một hành trình dài bay từ Hà Nội đến sân bay Changsa rồi lại đi 500km đường bộ nữa, ai nấy đều mệt nhoài. Lúc này cổ trấn đã lên đèn và chúng tôi đã bị cuốn hút ngay bởi những ánh đèn lấp lánh hai bên bờ sông Đà Giang và mọi mệt mỏi đều tan biến hết.
Với bạn ở Phượng Hoàng cổ trấn bao nhiêu ngày thì đủ? Chúng tôi có 2 đêm 1 ngày, nhưng dừng như thế chưa kịp khám phá hết cổ trấn cả vì ở đây có bao nhiêu thứ sẽ làm bạn mê mẩn và thời gian lúc này chẳng là gì cả.
Trước hết, bạn hãy thức giấc sớm hơn một chút để tận hưởng một không gian yên tĩnh và khung cảnh bình mình tuyệt vời. Sáng còn chưa tỏ mặt người, tôi đã xách chiếc máy ảnh lang thang ở bên bờ sông Đà Giang. Những làn sương mỏng lững lờ trên mặt nước, những dải mây bồng bềnh vắt qua núi.Cả trấn còn im lìm trong giấc ngủ. Một vài người dân địa phương khoác gùi đi làm sớm. Môt vài khách du lịch, mê chụp ảnh như tôi muốn tranh thủ ghi lại những bức ảnh ấn tượng nhất. Tôi thích cảnh những con đò lặng lẽ soi bóng trên bến, những cành liễu rủ đong đưa nhè nhẹ.
Mặt trời dần lên, ánh nắng dát vàng cảnh vật, những cây cầu soi bóng và dọc bờ sông 1 vài người phụ nữ lớn tuổi ngồi giặt đồ, tiếng đập của những thanh gỗ vào quần áo âm vang, phá vỡ sự tĩnh lặng... Một vài đôi thanh niên, dạo phố sớm, dắt nhau qua cây cầu có những bậc đá bắc qua sông, làm nên một bức tranh lãng mạn.
Ở Phượng Hoàng cổ trấn có hai cây cầu đá có từng bậc đá bắc qua sông, một ở cuối trấn, một ở đầu trấn là nơi ai cũng muốn check – in trong chuyến đi. Cây cầu cuối trấn gần khách sạn Fengting mình ở vắng hơn rất nhiều nên dễ chụp hơn.
Chỉ một đoạn sông ngắn 1 km qua trấn mà có những 10 cây cầu nhé. Cây cầu nổi tiếng nhất là Hồng Kiều duyên dáng với kiến trúc cầu có mái che, một chiếc cầu - nhà, được thiết kế theo phong cách “Phượng Hoàng” đặc trưng của cổ trấn. Tiếp theo một cây cầu gỗ ghép cong dưới chân một đoạn thác nước róc rách, một bên còn có chiếc cọn nước rêu phong quay nhịp nhàng suốt đêm ngày. Hơi tiếc là bờ sông đoạn này khi chúng tôi đến đang xây dựng nên hơi lộn xộn và bẩn. Phía cuối trấn còn có cây cầu đá trắng xây vững chãi
Nhìn từ trên cây cầu cao Phượng Hoàng cổ trấn trải dài ngút tầm mắt với những mái ngói cổ âm dương dày dặn xám như đá tai mèo. Những phù điêu trên đầu mái cong vút một cách kiêu hãnh, như một niềm tự hào sâu sắc về một cổ trấn có tuổi đời 1.300 năm.
Tầm 08h00 – 09h00 sáng là trấn đã bắt đầu nhộn nhịp. Đặc trưng ở đây là đường nhỏ, ngõ sâu và bán đồ truyền thống rất nhiều, sản xuất và bán tại chỗ. Và chắc chắn bạn sẽ thích dạo và len lỏi vào các con ngõ nhỏ, những ngôi nhà trên sông, những cửa hàng bán đồ truyền thống như giày vải, khăn lụa, đồ sừng, trống làm bằng da trâu và ăn những món ăn đường phố lạ và tất nhiên không thiếu được đó là chụp ảnh. Có rất nhiều góc để bạn chụp phong cảnh hay check – in sống ảo. Bạn sẽ mất cả ngày cũng không chụp hết các góc đẹp.
Buổi trưa, nên về khách sạn tránh nắng và nghỉ một chút để lấy sức cho buổi khám phá vào buổi chiều, tối. Thật tiếc nếu bạn không dạo chơi vào buổi tối đấy.
Chúng tôi có hai tối ở đây, nhưng rốt cuộc, tôi vẫn chưa đi hết cả trấn vì tối nào cũng mê mẩn chụp phong cảnh hai bên bờ sông Đà Giang. Những ánh đèn lấp lánh hắt xuống sông, tạo nên một phong cảnh thật lung linh huyền diệu. Còn những ngôi nhà bên sông sáng đèn, như được dắt vàng.
Nếu chỉ nhìn ảnh tôi chụp phong cảnh cổ trấn buổi tối, bạn đừng tưởng tối đến là trần yên tĩnh nhé. Lúc này hai bên bờ sông là những quán bar nhộn nhịp, sập xình nhạc. Bạn cũng đừng quên nán lại bên một cửa hàng bán trống để nghe những người bán hàng, gõ những khúc nhạc trống nhộn nhịp, mang màu sắc dân tộc. khiến chân bạn không thể bước đi.
Bạn sẽ mua gì làm kỷ niệm ở Phượng Hoàng cổ trấn
Có rất nhiều đồ lưu niệm và đồ dùng bạn sẽ muốn mua. Những chắc chắn món đồ bạn muốn mua sẽ là những chiếc khăn lụa đủ màu sắc kích cỡ với giá từ 10 tệ - 20 tệ/ chiếc, những đôi giầy vài làm thủ công từ 35 tệ - 50 tệ một đôi hay là những bộ quần áo bằng vải lụa, vai đũi. Tôi thấy rất nhiều khách du lịch mua những chiếc trồng làm bằng da trâu, một nhạc cụ dân tộc.
Còn đồ ăn thì sao nhỉ? Phượng Hoàng cổ trấn ở vùng lạnh nên đồ nướng ở đây rất được ưu chuộng. Đồ nướng được gọi là Shaokao - đọc là Sao-khảo. Ở đây có món mì tươi mình rất thích. Sợi mỳ dai, dẻo nhưng lại ròn. Nhưng nước súp có vị mình không thích và nhiều dầu mỡ. Bọn mình ăn trong khách sạn, các món ăn đều cay và có nhiều đồ xào, đặc biệt là thịt hun khói là món chủ đạo ở vùng này. Có món bánh tép, làm từ con tép tươi nhảy vừa đánh ở sông Đà Giang lên, hòa với bột và trứng ăn rất ngon. Và còn nhiều món khác, kể đến là món đậu phụ thối rán nổi tiếng ( nhưng ít khách du lịch ăn được). Đặc biệt có món lẩu cá cay rất ngon nhé.
Về ngôn ngữ thì nếu bạn có giỏi tiếng anh đến mấy cũng như bạn chỉ biết tiếng Việt. Họ sử dụng tiếng dân tộc Miêu là chủ yếu. Mua bán gì thì cứ cái máy tính chìa ra cùng với body language hoặc down load mấy app từ điển Trung có sẵn để tra từ, hoặc viết phiên nghe đọc và đọc lại. Cái cần nhất là một cái SIM 3G để google dịch là ổn. Muốn dùng Face Book và các mạng xã hội bạn nên cài đặt VPN.
Phượng Hoàng cổ trấn là một nơi bạn đã đến rồi lại muốn đến nữa để khám phá hết. Đi mùa hè rồi, lại muốn đi vào mùa thu lá đỏ, mùa đông tuyết rơi hay mùa xuân hoa nở. Chắc chắn mỗi mùa sẽ có một cái đẹp khác nhau, nhưng tựu chung là một nơi bạn không bao giờ chán.