NHÀN DU PARIS VỚI KHÚC BAGUETTE

NHÀN DU PARIS VỚI KHÚC BAGUETTE

Banner trang trong
  • THÁNG 10

    26

    Thứ 5


    Rong ruổi qua các phố của Kinh thành Ánh sáng, đặc biệt là vào buổi sáng, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy rằng thủ đô của nước Pháp có cái mùi hương riêng. Đó là mùi bánh mì baguette phát tỏa ra từ những “boulangerie” (cửa hàng bán bánh mì). Mà hầu như phố nào ở Paris cũng có một vài boulangeries.

    NhãnBánh mì baguette không bao giờ thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người Pháp ( Ảnh P. nguyen Dung)

    Dường như ngày xưa, ông Marcel Proust miệt mài tìm lại hương vị mùi bánh madeleine mà vô tình quên rằng mùi bánh mì luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của người Pháp. Ngày nay, những lần độc hành du lịch Paris, bánh mì baguette là thứ tôi dùng hàng ngày để tiết kiệm ngân sách, dành tiền cho những khám phá “xứng đáng đồng tiền... bánh mì baguette” hơn, chẳng hạn như mua vé vào bảo tàng Louvre ngắm nàng Mona Lisa.

    Một ngày vui khám phá Paris của tôi thường bắt đầu với việc thức dậy sớm, rời phòng trọ không sao phía trên một nhà hàng bán thức ăn Hoa, Việt lẫn lộn cực kỳ mini gần nhà ga xe lửa Montparnasse đi mua ly chocolat thơm nóng vừa nhâm nhi vừa quan sát người Pháp chào ngày mới như thế nào. Kế đến là bước vào một boulangerie để mua baguette, loại bánh mì dài như khúc củi. Chỉ mua baguette mà thôi vì đã thủ sẵn trong túi đeo lưng một ít giăm-bông, một thanh xô-cô-la và một chai nước có pha viên vitamin C sủi.

    Và thế là đã đủ nguồn năng lượng dự trữ cho buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều tham quan tháp Eiffel, ngắm tượng các chú lính “poilus” Pháp thời Thế chiến I trong Khải hoàn môn, và leo lên tháp chuông Nhà thờ Đức bà Paris với hy vọng diện kiến người đẹp Esmeralda và chàng gù. Chỉ đến đêm mới tự thưởng cho mình một bữa ăn thật ngon, thật bổ trong một nhà hàng nào đó. Và rồi lại gặp bánh mì, dù cho đó là nhà hàng La Coupole, điểm đến đầu tiên của văn hào Mỹ Hemingway ngay sau khi Paris được giải phóng khỏi quân Đức hồi Đệ nhị Thế chiến hay trong nhà hàng kiêm sân khấu ca vũ nhạc trứ danh Lido trên đại lộ Champs Élysées!

    Du lịch Paris với ngân sách eo hẹp nhưng bạn không sợ đói vì bánh mì baguette rất rẻ và rất dễ mua trong các cửa hàng bánh mì và cả trong các siêu thị lớn, siêu thị nhỏ (superette). Chỉ cần hơn 1 euro chi ra là đã có một khúc bánh dài gần 1 mét, thơm phưng phức, vỏ ngoài nướng vàng nâu thật giòn, bên trong ruột rất đặc mà rất mềm, không hề khô cứng. Cái hay của nó là phần ruột (tiếng Pháp là mie) trông lỗ chỗ như tổ ong.

    Mỗi boulangerie thường trưng bày lớp baguette dài không nhân ở một tủ kính, lớp baguette có sẵn các loại thịt nguội, phó-mai ở một tủ khác. Đừng bao giờ dùng tay tự ý chọn bánh bạn nhé, hãy kiên nhẫn xếp hàng đến lượt được người bán hỏi đến. Nếu không bạn sẽ biết thế nào là cơn giận dữ của chàng boulanger hoặc nàng boulangère. Họ sợ tay bạn không sạch, sờ đụng vào bánh khiến có nguy cơ lây lan vi trùng đấy!

    Các "boulangers" trổ tài trong ngày hội bánh mì, Paris (ảnh P. Nguyễn Dũng)

    Bánh mì baguette ở Paris ngon nổi tiếng, có thể nhờ nguồn nước, hoặc nhờ độ ẩm tự nhiên trong không khí, hoặc nhờ độ mặn từ lượng muối đã được cân đong rõ ràng khi trộn bột làm bánh. Phải mất nhiều lần du hành Paris với thói quen mua baguette mỗi sáng tôi mới phân định được tên gọi và hình dáng từng loại baguette khác nhau, từ “campagnarde” (kiểu nhà quê) qua “ficelée” (rạch vỏ ngoài, trông như có sợi dây quấn xung quanh), “forestière” (kiểu rừng, lâm sản) đến “rustique” (kiểu nông thôn)...

    Đọc sách báo thì biết được rằng baguette Pháp chỉ mới có khoảng 300 năm trở lại đây, trước đó người Pháp quen ăn ổ bánh mì hình tròn. Và hồi xưa, họ ăn nhiều bánh mì lắm lắm, trung bình một người Pháp ngốn hết khoảng 1,5kg. Bánh mì baguette buổi ban đầu dài khoảng 40cm và có trọng lượng 300g. Bây giờ, khi người Pháp bớt dùng bánh mì vì có nhiều chọn lựa thực phẩm, lương thực hơn thời xưa, chiều dài que baguette lên đến 80cm nhưng chỉ còn nặng 250g.

    Nhìn chung baguette vẫn xuất hiện đầy đủ trong cuộc sống hàng ngày của người Pháp, từ bình minh đến hoàng hôn. Theo France Agroalimentaire, cứ mỗi giây ở Pháp có 320 baguettes được ăn hết; khoảng nửa khúc bánh mì baguettes/người/ngày và 10 tỷ baguettes/năm. Trên toàn nước Pháp hiện có trên 35.000 boulangeries, có lò mỗi ngày ba lần nướng bánh. Bạn cho là nhiều nhưng thực ra nghề nướng và bán bánh mì ở Pháp đang trải qua cuộc khủng hoảng kéo dài, hồi những năm 1950 có đến trên 50.000 boulangeries.

    Lễ hội bánh mì diễn ra trên sân lớn trước Nhà thờ Đức Bà Paris (ảnh P. Nguyễn Dũng)

    Hiện nay mỗi năm đều có những cuộc thi chọn thợ làm bánh mì xuất sắc nhất cấp quốc gia và tại nhiều thành phố cũng có những ngày hội bánh mì, chẳng hạn như Fête du Pain thường diễn ra ở cái sân rộng lớn phía trước nhà thờ Đức bà Paris bên sông Seine. Hồi tháng 5 qua, giải nhất cuộc thi Meilleure Baguette de Paris 2017 (Bánh mì baguette xuất sắc nhất Paris) đã thuộc về cửa hàng Brun Boulangerie, số 193, đường Tolbiac, trong quận 13. Chủ lò bánh là ông Sami Bouatour, đã vượt lên trên 200 đối thủ toàn là những nghệ nhân giàu kinh nghiệm trong nghề làm bánh mì.

    Tác phẩm nghệ thuật làm bánh mì, đủ kiểu, đủ hình thái (ảnh P. Nguyễn Dũng)

    Bình minh ngày bay trở về Sài Gòn, kéo vali trên đại lộ Maine xuôi về phía nhà ga xe lửa Montparnasse, nơi có trạm xe buýt Car Air France chở khách ra sân bay Charles de Gaulle, tôi đi ngang qua tiệm bánh mì, bánh ngọt Paul. Mùi bánh mì tươi nóng tỏa lan thơm lừng góc phố, trong tử kính là hàng hàng lớp những baguette nướng căng phồng trông thật hấp dẫn.

    Một ổ bánh mì tròn, chắc nặng 2-3kg, trong Ngày hội bánh mì tại Paris (ảnh P. Nguyễn Dũng)

    Chợt nhớ và nể phục ông Victor Hugo với cuốn Những kẻ khốn cùng. Đáng thương cho Jean Valjean năm xưa vì ổ bánh mì cứu đói đám cháu nheo nhóc mồ côi bố mà bị án tù chung thân khổ sai. Chắc chắn Jean Valjean cũng đã bị mùi bánh mì cám dỗ ghê lắm.

    P. Nguyễn Dũng (bài đã đăng DNSG 18/10/2017)

Thong ke

TIN TỨC MỚI NHẤT

Lịch