Trên đất nước Việt Nam, có rất nhiều làng nghề nón nổi tiếng nhưng ở miền Bắc, nón Làng Chuông (xã Phương Trung,Thanh Oai, Hà Nội) đã khẳng định được thương hiệu từ bao đời nay với những sản phẩm bền, đẹp, tinh tế, được nhiều người ưa chuộng.
Để làm được chiếc nón của cả một quá trình tỉ mỉ, khéo léo và tâm huyết của những người nghệ nhân nơi đây. Qua chuyến thăm quan, khảo sát Làng Chuông do Sở du lịch Hà Nội tổ chức, tôi muốn chia sẻ về quy trình làm ra một chiếc nón Làng Chuông.
Muốn làm ra một chiếc nón thì cần phải qua nhiều công đoạn lớn nhỏ khác nhau. như: phơi lá, rẽ lá, là lá, vức vòng, dán nón, khâu nón, cạp nón, lồng nhôi… Và khâu nào cũng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của mỗi người thợ.
Khâu đầu tiên là chọn mua lá và sau đó phải đem phơi vài ngày để lá chuyển từ màu xanh sang trắng mới có thể sử dụng được.
Lá khi đã phơi khô sẽ được vò trong cát và tước nhỏ hay còn gọi là rẽ lá. Tiếp đến là công đoạn đem lá đi là phẳng. Nếu chỉ nhìn thôi, ta tưởng rằng rất đơn giản nhưng thực ra khâu này quyết định rất nhiều đến chất lượng nón. Dụng cụ là lá một chiếc lưỡi cày được nung nóng để miết lá. Miết làm sao cho tấm lá thật phẳng, nhẵn mà không bị giòn, bị rách và quan trọng là phải canh được độ nóng sao cho lá không bị cháy và không bị non.
Vức vòng hay còn gọi là làm khung nón cũng là một công đoạn quan trọng. Vòng nón được làm bằng cật nứa vót nhỏ đều, khi nối bắt buộc phải tròn và không có vết. Khác với các loại nón ở nơi khác, nón Làng Chuông chỉ có 16 vòng giúp cho nón có độ bền chắc nhưng vẫn giữ được sự mềm mại.
Vòng nón sau khi hoàn thành sẽ được xếp theo 3 lớp bao gồm 2 lớp lá lụi và một lớp mo nứa ở giữa.
Khâu nón (thắt nón) được coi là công đoạn rất khó đòi hỏi sự khéo léo của mỗi người bởi nếu không khéo lá sẽ bị rách. Điều quan trọng nữa là mũi khâu yêu cầu phải ngắn, lỗ nhỏ thì chiếc nón mới tròn, khít, mịn từ mép lá đến đường khâu. Cái tài của người thợ làng Chuông là các múi nối sợi móc khi khâu được dấu kín và khi nhìn vào chiếc nón chỉ thấy đều tăm tắp những mũi khâu…
Công đoạn cạp nón hay còn gọi là nức nón là công đoạn hoàn tất việc khâu.
Cuối cùng người nghệ nhân sẽ dùng những sợi chỉ nhiều màu sắc như: đỏ, xanh, trắng…để trang trí và tiến hành lồng nhôi để buộc quai nón.
Để chiếc nón bền đẹp hơn, người ta sẽ phết phía ngoài nón một lớp dầu thông mỏng để tránh thấm nước.
Đến làng Chuông bây giờ vẫn dễ dàng bắt gặp cảnh trong nhà, ngoài cổng, trước cổng đình, cổng chợ, các bà, các chị, các em nhỏ ngồi quây quần bên nhau khâu nón. Không ai biết chính xác nghề làm nón ở Làng Chuông có từ khi nào, nhưng cứ đời trước truyền cho đời sau và cứ thế nghề làm nón duy trì cho đến tận bây giờ mang lại không chỉ nguồn thu cho dân làng mà còn duy trì nét đẹp văn hóa của một làng quê Bắc Bộ.