Tiếp tục cuộc hành trình khám phá trọn vẹn Tứ Xuyên, những điểm đến tiếp theo sẽ đưa chúng ta đi “khám phá” vẻ đẹp còn ẩn dấu được xem là “góc khuất” của mảnh đất được mệnh danh “Thiên phủ chi quốc” Tứ Xuyên - Trung Quốc.
6. Thảo nguyên Tháp Công (Tagong)
Từ Jiaju quay trở lại thị trấn Đan Ba bắt đầu đi vào trung tâm khu tự trị của người Tạng và tiến về thảo nguyên Tháp Công (Tagong). Với những thung lũng rộng lớn và những ngôi nhà của người Tạng với các loài hoa có màu sắc rực rỡ được trồng trước cửa hay trên ban công luôn là tiêu điểm để chiêm ngưỡng. Người Tạng luôn yêu thích thiên nhiên nên không chỉ ngôi nhà của người Tạng mang nhiều đường nét hoa văn trang trí rực rỡ màu sắc thì cây cối, hoa lá thiên nhiên là một phần đời sống văn hóa tinh thần của người Tạng.
Một màu vàng rực rỡ của hoa cải trải rộng khắp sườn núi xen lẫn thảm cỏ xanh ngát và thấp thoáng đâu đó những mái nhà của người Tạng. Có lẽ màu vàng luôn là biểu tượng của mùa thu và gây ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc cho mọi người. Và ở giữa thảo nguyên xanh ngát này, nơi giao thoa giữa đất trời với những ngôi nhà của người Tạng xen giữa sắc màu hoa cải vàng càng tô điểm thêm sức sống khi thiên nhiên và con người giao hòa với nhau.
Rời xa những vườn hoa cải vàng, màu tím của hoa oải hương, chúng tôi đã đến rất gần với Tháp Công tự (tu viện Tagong), nơi ghi lại truyền thuyết công chúa Văn Thành thời nhà Đường và ngôi đền Tháp Công.
Sau khi thăm Tháp Công tự, hành trình xuôi về thị trấn Khang Định và dừng chân tại Tân Đô Kiều - được mệnh danh là “thiên đường nhiếp ảnh”. Trên đường đến Tân Đô Kiều, dọc hai bên đường là những sườn núi với những tảng đá đều được khắc kinh văn (kinh Phật). Đây là một trong những cách để người Tạng truyền bá đạo Phật, điều này càng thể hiện vai trò quan trọng của đạo Phật trong đời sống văn hóa tâm linh của người Tạng.
Cảnh đẹp nhất của Tân Đô Kiều là vào sáng sớm khi mặt trời mọc từ phía đỉnh núi tuyết hay khi hoàng hôn dần buông xuống, ánh mặt trời đỏ rực từ từ lặn xuống. Mùa thu có lẽ là thời điểm cảnh sắc thiên nhiên ở đây đẹp nhất với thung lũng ngập lá vàng, nước xanh màu ngọc bích. Chỉ cần đến đây với một chiếc điện thoại thông minh hay một máy ảnh chuyên dụng là bạn đã có những bức ảnh thiên nhiên với cảnh sắc tuyệt vời.
7. Thị trấn Khang Định
Vẻ hiện đại xen lẫn cổ kính quả thật mang lại bức tranh sống động nhiều màu sắc cho Khang Định. Có ai đó đã nói rằng, Khang Định nổi tiếng không phải là cửa ngõ của Tây Tạng hay là nằm trên con đường Trà đạo giữa Tứ Xuyên và Tây Tạng mà còn bởi một bản tình ca với tên “Bản tình ca Khang Định” nói về tình yêu của một đôi trai gái bị gia đình ngăn cản.
Nằm giữa những khe núi và một con suối nước chảy cuồn cuộn như thác đổ của những dòng nước tuyết từ các đỉnh núi xung quanh, Khang Định là thành phố thương mại sầm uất hàng nghìn năm và vẫn giữ được bản sắc cho đến ngày nay. Khang Định là sự hài hoà giữa quá khứ và hiện tại, giữa tiện nghi vật chất và giá trị tâm linh.
8. Nga My Sơn và Lạc Sơn Đại Phật
Nếu từng mê mẩn tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Quốc như Kim Dung, chúng ta sẽ không lạ lẫm gì với môn phái Nga mi. Bước ra từ những câu chuyện tưởng như hư ảo, Nga Mi sơn vẫn kiều diễm, xứng danh một trong 4 ngọn núi Phật giáo thiêng liêng trong quan niệm người Trung Quốc.
Trên núi Nga Mi san sát những ngôi chùa, và ngôi chùa lớn nhất, nổi tiếng nhất là chùa Báo quốc, Vạn Niên.
Pho tượng Phật Lạc Sơn nằm trên ngọn Thê Loan dưới chân núi Nga Mi về phía đông, xưa gọi là “Đại tượng Mi Lạc”, “Đại Phật Gia Định ”, đại Phật bắt đầu được tạc vào đầu năm Khai nguyên thời nhà Đường (năm 618 - 907). Pho tượng Phật khổng lồ này đã được thực hiện trong suốt 90 năm mới hoàn thành. Tượng phật được tạc dựa vào vách núi và hướng ra sông Lâm Giang, là pho tượng Phật tạc trên vách đá lớn nhất trên thế giới, được ví “núi là một pho tượng, Phật là một ngọn núi”.
9. Lăng mộ và đền thờ Lưu Bị
Vũ Hầu từ, ngôi đền thờ Lưu Bị và các vị tướng nhà Thục Hán xưa, được mệnh danh là “Tam quốc thánh địa” - là điểm đến cho người mê 'Tam Quốc diễn nghĩa'.
Vũ Hầu từ có diện tích hơn 15.000 m2, gồm lăng thờ Lưu Bị, hành lang đặt tượng các nhân vật lịch sử khác trong thời Thục Hán và đền Gia Cát Lượng.
Đi qua một lối đi yên tĩnh với hai bên tường sơn đỏ rợp bóng trúc râm mát là lăng mộ của Lưu Bị, còn gọi là Huệ Lăng.
Sau khi tham quan Lăng Lưu Bị, hầu hết du khách đều dạo quanh phố cổ Cẩm Lý bởi vẻ đẹp cổ kính độc đáo rất Trung Hoa của nó. Trải dài hơn 500 m, phố cổ Cẩm Lý nhộn nhịp sầm uất từ thời nhà Thanh.
Bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp quyến rũ của những tòa nhà cổ và tìm các cửa hàng bán đồ lưu niệm thủ công, tương phản với quán bar và nhà hàng hiện đại bên cạnh. Hơn nữa, bạn có thể thưởng thức hương vị trà Tứ Xuyên và Xuyên kịch. Bên cạnh đó, những món ăn đa dạng bán ở những cửa hàng nhỏ bên lề đường sẽ cho bạn trải nghiệm thú vị về ẩm thực Tứ Xuyên.
Tạm biệt Tứ Xuyên, tạm chia tay những con người thân thiện đầy hiếu khách của Tứ Xuyên đặc biệt là những người dân tộc Tạng, với những nét đẹp cổ kính pha lẫn hiện đại và những điểm đến mang tính lịch sử, tâm linh được gìn giữ và trân trọng qua rất nhiều năm.
KHÁM PHÁ THÀNH ĐÔ VỚI TOUR DU LỊCH HẤP DẪN TỪ HY VỌNG: CHI TIẾT TẠI ĐÂY