Khám phá thị xã nhỏ nhất Việt Nam vừa lập kỷ lục về nhà sàn

Khám phá thị xã nhỏ nhất Việt Nam vừa lập kỷ lục về nhà sàn

Banner trang trong
  • THÁNG 05

    12

    Thứ 2

    Điện Biên - Thị xã Mường Lay là đơn vị hành chính cấp huyện nhỏ nhất tại Việt Nam được mệnh danh là “cái nôi của người Thái trắng”.

     

    Nơi lưu giữ hồn cốt nhà sàn truyền thống

     

    Thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên được coi là đơn vị hành chính cấp huyện nhỏ nhất nước, vừa ghi thêm một dấu ấn đặc biệt khi được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là “Thị xã có mật độ nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái ngành Thái trắng nhiều nhất Việt Nam”.

     

    Đây không chỉ tôn vinh giá trị di sản văn hóa độc đáo mà còn mở ra những góc nhìn mới về một Mường Lay giàu bản sắc.

     

    aaa
    Những khu phố nhà sàn soi bóng xuống lòng hồ thơ mộng. Ảnh: Quang Đạt
     

    Với diện tích tự nhiên chỉ hơn 11.266 ha, chiếm khoảng 1% diện tích tỉnh Điện Biên, Mường Lay từ lâu đã giữ vị trí là thị xã nhỏ nhất cả nước. Tuy nhiên, nơi đây ẩn chứa một mật độ đáng kinh ngạc của những nếp nhà sàn truyền thống.



    Theo thống kê, trong tổng số 3.198 ngôi nhà tại thị xã, có đến 1.192 là nhà sàn truyền thống của người Thái trắng, đạt mật độ khoảng 10,58 nhà/km². Đây là mật độ nhà sàn cao vượt trội so với các địa phương tương đồng về dân tộc Thái ngành Thái trắng đang sinh sống.



    Đơn cử, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La có mật độ 1,24 nhà/km²; thị xã Mộc Châu, tỉnh Sơn La 1,6 nhà/km²; huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu 1,44 nhà/km²; huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu 0,27 nhà/km².



    Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến Mường Lay chính là hình ảnh những khu nhà sàn được quy hoạch ngăn nắp, thoáng đãng ven lòng hồ thủy điện Sơn La.

     

    aa
    Chế tác đá tự nhiên thành ngói lợp mái nhà sàn bên dòng sông Đà. Ảnh: Quang Đạt
     

    Nhiều ngôi nhà vẫn giữ nguyên vẹn nét kiến trúc cổ, đặc biệt là những mái nhà lợp bằng đá tự nhiên – một nét đặc trưng chỉ có ở Mường Lay. Những viên ngói đá này được khai thác ven sông Đà và chế tác tại phường Sông Đà, tạo nên vẻ đẹp độc đáo và sự bền vững cho những dãy phố nhà sàn.



    Cái nôi của người Thái trắng



    Trước khi trở thành thị xã thuộc tỉnh Điện Biên vào năm 2004 sau khi tách tỉnh Lai Châu, Mường Lay từng là thủ phủ của tỉnh Lai Châu cũ. Mường Lay được mệnh danh là cái nôi của người Thái trắng, nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc.



    Với gần 70% dân số là người dân tộc Thái trong tổng số hơn 11.500 nhân khẩu (khoảng 3.050 hộ gia đình), văn hóa Thái đã thấm đẫm vào mọi mặt đời sống của người dân nơi đây.

     

    aa
    Mường Lay cũng được coi là miền sông nước thơ mộng ở Tây Bắc bởi thị xã nhỏ này nằm giữa ngã ba của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Ảnh: Văn Thành Chương
     

    Minh chứng là việc Nghệ thuật Xòe Thái và Lễ Kin Pang Then của người Thái thị xã Mường Lay đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016.



    Lễ Kin Pang Then là một nghi lễ tâm linh có từ lâu đời, thể hiện quan niệm của người Thái trắng về các vị thần Then được vua Trời phái xuống giúp đỡ dân Mường. Lễ hội thường diễn ra vào đầu xuân, khi hoa ban nở trắng núi rừng, là dịp để tạ ơn các vị Then và cầu mong một năm mới an lành, mùa màng bội thu.

     

    Trong khi đó, Nghệ thuật Xòe Thái lại giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, là sợi dây gắn kết cộng đồng. Những vòng xòe không chỉ là điệu múa giải trí sau những giờ lao động mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, sự gắn bó của người Thái. Đây là nét văn hóa đặc sắc du khách không nên bỏ lỡ khi khám phá Mường Lay.

     

    Không chỉ giàu có về văn hóa, Mường Lay còn được thiên nhiên ưu đãi với núi non trùng điệp, những cánh rừng bạt ngàn với tỷ lệ che phủ rừng trên 65% - cao nhất toàn tỉnh Điện Biên. Đây cũng là nơi tụ thủy của 3 dòng sông lớn: sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay.

     

    Lễ hội Đua thuyền đuôi én tại thị xã Mường Lay. Ảnh: Văn Thành Chương
    Lễ hội đua thuyền đuôi én Thị xã Mường Lay được tổ chức thường niên vào ngày đầu năm mới. Ảnh: Văn Thành Chương
     

    Một phần không nhỏ diện mạo của Mường Lay ngày nay được định hình bởi công trình thủy điện Sơn La. Hơn 4.000 hộ dân đã di dời nhường chỗ cho lòng hồ, trong đó có trên 2.000 hộ được tái định cư tại chỗ theo hình thức di vén lên các triền đồi cao hơn.

     

    Cuối tháng 4.2025, Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Điện Biên đã thông qua Nghị quyết Đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC cấp xã tỉnh.

     

    Theo đó, thành lập phường Mường Lay trên cơ sở nhập toàn bộ 3 đơn vị hành chính trực thuộc thị xã Mường Lay và xã Sá Tổng (huyện Mường Chà).

     

    Sau sắp xếp, phường Mường Lay có diện tích tự nhiên 222,65 km2; quy mô dân số 18.208 người. Nơi đặt trụ sở làm việc của phường Mường Lay dự kiến tại toàn bộ trụ sở Thị ủy, HĐND và UBND thị xã Mường Lay hiện nay.

    Nguồn: Chuyên trang du lịch của Báo Lao Động

Thong ke

TIN TỨC MỚI NHẤT

Lịch