HÀNH TRÌNH KÝ ỨC VỊ XUYÊN - TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SỸ TRONG CUỘC CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI

HÀNH TRÌNH KÝ ỨC VỊ XUYÊN - TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SỸ TRONG CUỘC CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI

Banner trang trong
  • THÁNG 02

    19

    Thứ 4

    Ngày 17/02/1979, 60 vạn quân Trung Quốc tràn vào biên giới của 06 tỉnh phía Bắc nước ta. Từ 1979 – 1989, Trung Quốc đã biến cuộc chiến tranh biên giới lần này ác liệt không kém trận chiến 81 ngày đêm đỏ lửa ở Quảng Trị nhưng thời gian kéo dài hàng ngàn ngày đêm. Trong 10 năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên (nay là Hà Giang) là một trong những địa điểm diễn ra những trận đánh khốc liệt nhất.

    Cũng như hàng triệu người Việt Nam, không thể quên được ngày 17/02 lịch sử, không thể quên được sự hy sinh của hàng ngàn người lính tại mặt trận Vị Xuyên, chúng tôi, những thành viên của Hành trình “Ký ức Vị Xuyên” đã tới dâng hương tới các địa điểm đã đi vào lịch sử giữ nước.

     

     

    Đoàn đã đến thắp hương tưởng niệm các anh tại đài hương 468 tại xã biên giới Thanh Thủy. Nơi đây chính là cao điểm 468 của chiến trường khốc liệt Vị Xuyên. Theo lời kể của ông Phạm Ngọc An, cựu binh Vị Xuyên, các chiến sỹ của chúng ta đã chiến đấu quả cảm để giành giật từng mét đất với giặc. Có những nơi, hốc đá bên này là bộ đội mình, bên kia là quân Trung Quốc, nhưng chỉ cách nhau vài mét. 

     

    Ông Phạm Ngọc An, cựu chiến binh Vị Xuyên , nhân chứng sống của cuộc chiến đang kể lại về những trận đánh khốc liệt với đoàn

     

    Mắt chúng tôi rưng rưng lệ  khi nghe ông An kể về những trận chiến khốc liệt, với tinh thần anh dũng quả cảm diễn ra ở đây. Theo tay người cựu binh chỉ, chúng tôi nhìn sang đỉnh cao 1509, 685, 772 phía đối diện. Chính cái đỉnh núi 685 ấy thì người ta gọi là Lò vôi thế kỷ, do hàng ngàn tấn đạn pháo của  Trung Quốc bắn sang biến đá thành vôi. Đỉnh cao 772, được gọi là đồi thịt băm vì nhiều chiến sỹ của ta hy sinh do đạn pháo bắn sang, thung lũng Nậm Ngặt được mệnh danh là thung lũng tử thần. Những địa danh không thể quên này được nhắc đi nhắc lại trong câu chuyện kể của ông An cũng đã cho chúng tôi hình dung ra sự khối liệt dường nào. Chỉ riêng ngày 12/7/1984, ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến, hơn 1.000 người lính đã ngã xuống tại những cao điểm này. Họ đa phần mới 18-20, đầy nhiệt huyết và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Các anh đã chiến đấu với tinh thần “Sống bám đá - Chết hóa đá - Thành bất tử” như câu nói được khắc trên báng súng của Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Minh.

     

    Đoàn đã thành tâm hồi hướng cho các anh hùng liệt sỹ

     

    Xa xa là cao điểm 772 đã được phủ một màu xanh hòa bình

     

     

    Ngày này, một màu xanh mướt đã phủ trên những đỉnh cao 1509, 685, 772…, nhưng đồng đội của các anh và chúng ta vẫn đau đáu một nỗi đau bởi trên những đỉnh cao đó vẫn còn rất nhiều hài cốt của các anh chưa thể quy tập về được.

    “ Bọn mày ơi mẹ đã yếu lắm rồi

    Lưng đã còng, mắt không nhìn rõ nữa

    Vẫn sớm trưa mẹ mỏi mòn ngóng đời

    Vẫn mong mày về dù chỉ nắm xương thôi” – Một bài thơ của các đồng đội khi đến thăm các anh qua giọng đọc của ông An.

     

     

    Hoa gạo, hoa giấy đã nở đỏ bên đài hương vào mỗi tháng 2,  như nhắc nhở nỗi đau mất mát không thể  nào quên. Đoàn chúng tôi thắp những nén tâm nhang, đọc kinh hồi hướng, đi quanh đài hương với tấm lòng thành kính, biết ơn chân thành nhất để tưởng nhớ đến các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh bảo vệ tổ quốc, nhớ lại một thời oanh liệt của chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ biên cương.

     

     

     

     

    Theo chân  ông An, chúng tôi tới thắp hương tại đài hương ở ngã ba Thanh Thủy, “Ngã ba cửa tử“,  Hang Dơi, Làng Ping – những địa danh in dấu cuộc chiến tranh biên giới khốc liệt để bảo vệ chủ quyền đất nước.

     

    Đài hương tại Ngã ba Thanh Thủy - Ngã ba cửa từ

     

     

    Đoàn thành kính dâng hương ở Đài hương Ngã ba Thanh Thủy

     

    Nơi tưởng niệm các chiến sỹ tại Hang Dơi

     

    Đoàn dâng hương tại đài hương Làng Ping, nơi trước đây là căn cứ hậu cần của trận chiến

     

     

     

     

    Từ năm 1984 - 1989, sau 5 năm giằng co giữ đất, từng tấc đất Vị Xuyên, gần 5.000 liệt sĩ  đã hy sinh tại Vị Xuyên. Tổ quốc chúng ta vẫn vẹn nguyên, chỉ có những người lính mãi nằm lại nơi đây, trong những miệng hang, hốc đá, xương, thịt của họ đã hóa vào đất, vào đá của vùng biên cương. Cho đến nay chỉ hơn 1.800 hài cốt của các anh được tìm thấy và được quy tụ về Nghĩa trang Vị Xuyên.

    Đài hương nghĩa trang Vị Xuyên

     

    Đoàn làm lễ cầu siêu và dâng hương tại Nghĩa trang Vị Xuyên
     

     “Ơi những nấm mồ, ơi những nghĩa trang
    Các anh đứng làm phên dậu che Tổ quốc
    Dẫu các anh không thể nào về được
    Mắt vẫn trừng ngược gió bấc trong đêm

    Tôi tự hỏi mình về những cái tên
    Mười bẩy tháng Hai, mà tim tôi ngơ ngác
    Tôi nghẹn buốt nhìn khói hương nghi ngút
    Của cả đoàn “Hành trình ký ước Vị Xuyên”! – Ali Duong – Thành viên đoàn “ Ký ức Vị Xuyên”

     

     

     

    Các anh đã hy sinh cả tuổi trẻ, cả thân mình để bảo vệ Tổ Quốc. Chúng tôi những người con đất Việt đời đời ghi nhớ công ơn các anh. Dưới đài hương nghĩa trang Vị Xuyên, chúng tôi, những thành viên của Hành trình “ Ký ức Vị Xuyên” dâng lên các anh những nén hương thơm, dâng ánh sáng ấm áp của những ngọn nến để các anh luôn được ấm áp.

     

     

     

     

    “Cả nghĩa trang bừng sáng cho dù hoàng hôn đã buông xuống. Anh linh Các Em đã trở về và quyện cùng khói nhang và ánh nến  để thấy mọi người, gia đình, đồng đội, các thế hệ vẫn không quên công lao, máu xương của các em đã đổ xuống cho Mùa Xuân Vĩnh Cửu - Đất nước Trường tồn.  SỐNG BÁM ĐÁ- CHẾT HOÁ ĐÁ- THÀNH BẤT TỬ “ – Bà Phan Hồng Hà thành viên đoàn “Ký ức Vị Xuyên”.

     

    Bà Phan Hồng Châu dâng hương tại ngôi mộ tập thể

     

    Dòng sông Lô đêm nay được thắp sáng lung linh với những ngọn đèn hoa đăng. Đó là tâm nguyện của chúng tôi, dâng lên hương lình của hàng ngàn liệt sỹ Vị Xuyên, tưởng nhớ đến công lao trời biển của các anh đã giữ yên cho bờ cõi nước Nam.

     

    Chuẩn bị dâng hoa đăng trên sông Lô

     

     

    Đất nước Việt Nam đời đời nhớ ơn công lao những anh hùng liệt sỹ

     

    “Cảm ơn các Chiến Binh đã đồng hành chuyến đi " KÍ ỨC VỊ XUYÊN " do CLB du lịch Thủ đô, Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hy Vọng  tổ chức. Cám ơn bạn Paññavara Tuệ Ân đã giúp sức cho chuyến đi thật trọn vẹn, cho chúng ta cùng hoan hỷ góp phần nhỏ tạo được những Phước báu cho tất cả người đã khuất và cả người đang tồn tại” – bà Phan Hồng Châu – Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hy Vọng.

     

    Một hành trình tri ân đầy cảm xúc và ý nghĩa nhân kỷ niệm 41 năm chiến tranh biên giới!

     

    Bà Phan Hồng Châu thay mặt đoàn tặng quà cho các cựu chiến binh Vị Xuyên

     

    Từ ngày 15- 17/02/2020, Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hy Vọng phối hợp với CLB du lịch Thủ đô và Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Hà Giang đã tổ chức thành công Hành trình tâm linh “ Ký ức Vị Xuyên”. Đoàn đã đến dâng hương tại Đài hương 468, đài hương Ngã ba Thanh Thủy, đài hương Làng Pinh và đặc biệt là Nghĩa Trang Vị Xuyên nơi yên nghỉ của hơn 1800 liệt sỹ, trong đó còn nhiều liệt sỹ vô danh.

    Đoàn cũng rước kinh điển, tượng phật lên dâng chư tăng tại các chùa Nậm Dầu và chùa Quan Âm tại Hà Giang để để hồi hướng và chia phước tới anh linh các Anh hùng liệt sỹ. Bên cạnh đó đoàn còn làm lễ thả hoa đăng cầu siêu trên Sông Lô, tặng quà cho 30 thương binh, gia đình liệt sĩ và cựu chiến binh Vị Xuyên.

     

    Bài: Nguyễn Mai Khanh

    Ảnh Nguyễn Mai Khanh và Paññavara Tuệ Ân 

Thong ke

TIN TỨC MỚI NHẤT

Lịch