Nhắc đến Huế, nhiều người chỉ biết Huế chỉ có lăng tẩm, đền thờ, chùa chiền. Nhưng thực ra Huế còn có rất nhiều điểm đến hấp dẫn khác níu chân bao lữ khách, và một trong những điểm đó là đầm Chuồn. Và đoàn khảo sát điểm đến du lịch chúng tôi may mắn được đến thăm đầm Chuồn vào một sáng tháng 04. Sáng hôm đó chúng tôi không chỉ được thả hồn vào chốn bình yên, mà còn được cảm nhận vẻ đẹp riêng biệt mà tạo hóa đã ban tặng cho miền đất này.
Đầm Chuồn, nằm trong hệ thống đầm phá Tam Giang, cách trung tâm thành phố khoảng độ 15km nên chúng tôi xuất phát từ Huế rất sớm để kịp ngắm bình minh.
Cảnh vật dọc đường thật yên bình. Dọc con đường làng chúng tôi đi qua cơ man nào là những nhà thờ của các dòng họ, băng qua những cánh đồng, không gian yên ắng, tĩnh mịch.
Dừng chân tại bến thuyền vào lúc hơn 05h00 sáng, đoàn lên hai chiếc thuyền và bắt đầu khám phá đầm Chuồn mênh mang sóng nước.
Trời bắt đầu ủng hồng và chúng tôi bắt đầu hành trình bắt Ông Mặt trời. Theo Ông mặt trời, màu sắc thay đổi dần dần từ hồng nhạt, lên hồng đậm và ngả sang vàng màu nắng.
Thuyền chúng tôi lướt trên đầm. Xa xa thấp thoáng những chiếc thuyền của ngư phủ, những ngôi nhà chồ bé nhỏ (nơi dừng chân nghỉ ngơi của những ngư dân) khiến ai cũng phải háo hức và xao xuyến trước khung cảnh đẹp đến nao lòng. Trên sông nước những căn nhà chồ được dựng tạm bợ nét chấm phá miền sông nước đầm Chuồn.
Và tôi đã không bỏ lỡ những khoảnh khắc đẹp, giơ máy chụp liên tục. Để có khuôn hình đẹp, tôi chọn một chỗ ngồi trước mũi thuyền và bắt trọn khoảnh khắc “ Vớt mặt trời lên” khi ông mặt trời rớt vào rớ ( lưới).
Cũng giống như bao đầm khác, hình ảnh ngư dân trên chiếc xuồng ba lá, quăng chài, kéo lưới giữa đầm, cảnh mò cua bắt ốc, tay chân lém bùn cũng đủ toát lên vẻ đẹp bình yên của một làng chài. Hay cảnh một em bé ngồi trong lòng mẹ trên thuyền hay hình ảnh trẻ con đùa vui bắn tung nước hòa với tiếng cười giòn tan cũng đủ làm mê hoặc bao lữ khách đến thăm nơi này.
Hãy lưu ý thời điểm đẹp nhất ngắm bình minh trên phá là từ 5h30 đến 07h00. Khi ông mặt trời lên cao, chúng tôi về bến để thưởng thức những món ăn đặc sản tại Đầm Chuồn Lagoon. Giữa miền sông nước, ngồi hóng gió mát rượi, ngắm bình minh, thưởng thức đặc sản đầm Chuồn thì còn gì sánh bằng. Nhà hàng có đầy đủ không gian riêng tư cho gia đình, bạn bè tụ họp.
Chúng tôi được thưởng thức rất nhiều món ngón ở đây. Một món mà tôi thích nhất là cháo Hàu. Hàu ở đây rất tươi và ngon. Sau một sáng dạy sớm, húp bát cháo bạn sẽ tỉnh cả người và có đủ năng lượng cho một ngày mới.
Một món nữa, bạn sẽ không thể bỏ qua đó là món bánh khoái cá kình nổi tiếng nơi đây. Cá được để nguyên con, không làm ruột, rửa sạch đổ một lớp bột gạo đã pha sẵn. Bánh vàng chín giòn, hòa với vị mật của ruột cá có vị nhẫn, đắng. Thoạt đầu nhiều lữ khách không quen nhưng ăn dần cảm nhận độ ngọt và tươi của cá. Món bánh này được chấm kèm với nước mắm.
Đầm Chuồn có năm loại cá nổi tiếng là cá ong, cá dìa, cá mú, cá nâu và cá kình vì thịt cá dai, thơm, ngọt. Cá kình là một trong những đặc sản của người dân xứ Huế và cũng được đánh bắt nhiều tại khu vực đầm Chuồn. Theo người dân đánh bắt cá tại đây thì mùa cá kình bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến hết tháng 7 âm lịch hằng năm.
Khung cảnh miền quê sông nước, thấp thoáng những con thuyền ngư phủ hay những ngôi nhà chồ tạo nên điểm nhấnđầm Chuồn xứ Huếmộng mơ. Nơi đây rất thích hợp cho những gia đình, cặp đôi hay nhóm bạn tụ tập muốn tìm về sự bình yên, thanh thản của một vùng quê nơi Cố đô.
Đầm Chuồn đỏ rực lúc sớm mai, bình minh dâng cao, cái nắng chói chang giữa trưa hay nhuộm tím cả không gian khi hoàng hôn buông xuống. Dù bất cứ thời điểm nào trong ngày, đầm Chuồn vẫn làm lay động trái tim du khách thập phương.
Nếu ngắm bình minh thời điểm đẹp nhất từ 05h30 - 07h00, ngắm hoàng hôn từ 16h00-17h30, hoặc bạn có thể chơi cả ngày ở Đầm Chuồn.