Một trong những mơ ước của tôi trong đời là được ngắm hoàng hôn cầu Ubein vì vậy Cầu Ubein đã được kê trong danh sách điểm đến năm 2019 của tôi đầu tiên.
Mua vé trước cả 3 tháng tại Phòng vé Hy Vọng, chờ đợi trong hồi hộp rồi chuyến đi cũng đến thật nhanh. Ngoài việc đến thăm quan các ngôi đền chùa nổi tiếng ở Mandalay thì tôi vẫn háo hức được ngắm hoàng hôn trên cầu Ubein, cây cầu gỗ Tech nổi tiếng thế giới nối liến hai bờ sông Taungthama, nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất hành tinh.
Sau khi tới thăm tu viện Mahagandhayon ở Amarapura, chúng tôi đã có mặt ở cầu Ubein lúc 15h30. Ngay từ lúc này đã rất đông du khách tề tựu ở đây để tìm chỗ ngắm hoàng hôn. Không chỉ có du khách mà cả những người dân địa phương và các vị sư ở các chùa gần đây cũng tới để ngắm hoàng hôn đẹp có một không hai ở đây. Những chú tiểu trẻ bá vai nhau vừa đi vừa vui vẻ trò chuyện rồi lại còn selfie ghi lại những khoảnh khắc đẹp. Những ni cô bé trong áo hồng tung tăng nô đùa dưới bãi sông. Những cặp đôi, những gia đình cùng nhau thưởng ngoạn. Du khách thì có đôi chút lộn xôn chen lấn trên cầu. Trên cầu rất đông khó mà có được bức ảnh như ý.
Mọi người hối hả tìm một chỗ tốt nhất cho mình để ngắm hoàng hôn. Là mùa nước cạn nên chúng tôi chọn chỗ trên bãi sông, sát mép cầu. Phải đi đến đoạn giữa cầu sẽ có cầu xuống bãi ( giống như cầu xuống bãi giữa sông Hồng trên cầu Long Biên). Mặc dù mặt trời vẫn còn trên cao, chúng tôi đã phải sẵn sàng dựng chân máy để chiếm chỗ, không nhanh là không còn chỗ đâu nhé.
Rất nhiều người khác thì chọn ngắm hoàng hôn trên thuyền. Những chiếc thuyền dài mũi cong, dàn hàng trước mặt chúng tôi. Ai cũng lăm lăm một chiếc máy ảnh hay điện thoại để sẵn sàng ghi lại những khoảnh khắc hiếm hoi giao thoa giữa ngày và đêm.
Chờ đợi mãi rồi ông mặt trời cũng xuống. Ông ngả từ màu vàng sang màu đỏ, xuống thấp dần dần, lúc đầu lơ lửng trên đầu du khách, tiếp theo cảm giác như những người trên cầu có thể chạm tới Ông, rồi sau đó khi Ông đỏ ửng như lòng trứng gà rồi thì Ông xuống thấp kẹp giữa những thanh cầu, cả mặt sông đỏ ứng. Khi đó nhiều du khách dời khỏi cầu, chỉ còn lại dân nhiếp ảnh chờ đợi ráng mây sau khi Ông mặt trời xuống. Thời tiết đẹp nên trời đã không phụ lòng chúng tôi. Những rang mây sắc màu, hình rẻ quạt đã làm nên một cảnh sắc tuyệt vời bên cây cầu. Một hoàng hôn thật sắc màu và thật thơ mộng. Bởi vậy cây cầu không chỉ nổi tiếng về kiến trúc mà còn nổi tiếng về khung cảnh biến đổi của hoàng hôn mỗi ngày tại đây.
Theo thông tin tìm hiều Cầu U Bein được xây dựng vào năm 1851 và mất tới 3 năm để hoàn thành. Cầu được sử dụng lại 1.068 cọc gỗ tếch - từ cung điện của Amarapura khi vua Mindon dời đô đến Mandalay. Những chiếc cọc được đóng vào đáy hồ nước cạn để tạo hình cây cầu dài 1.200 mét theo hình một đường cong nhẹ. Đến nay, U Bein được xác lập là cây cầu gỗ dài nhất và lâu đời nhất thế giới. Ngày nay, trải qua nhiều tác động của thiên nhiên và chiến tranh, vài mối trụ bị mục nát hư hỏng, Myanamar đã cho phục dựng lại bằng bê tông để làm giá đỡ cho các mối và sàn cầu nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc chung của cây cầu. Cây cầu hiện vẫn vững chãi và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân địa phương và du khách.
Một người bạn mình tư vấn nên đến ngắm bình minh nơi này nữa vì bình minh ở đây đẹp không kém hoàng hôn và vắng hơn rất nhiều. Trong ánh bình minh, bạn sẽ có thể chụp được cảnh sinh hoạt đời thường của người dân địa phương. Nhưng thật tiếc bọn mình không đủ quỹ thời gian. Đành hẹn bình minh UBein lần gặp gỡ sau.
Kỷ niệm ngắm hoàng hôn cầu U Bein đã trở thành một kỷ niệm đẹp không thể nào quên của mình. Thật dễ hiểu vì sao Cầu U Bein trở thành biểu tượng du lịch của vùng đất cố đô Mandalay. Người dân Mandalay xem U Bein là niềm tự hào của vùng đất của mình. Chào tạm biệt U Bein và hẹn sớm gặp lại.