Chùa Tây Phương nằm trên ngọn núi Câu Lậu, thuộc Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội. Đi từ trung tâm Hà Nội tới chùa Tây Phương hết khoảng 45 phút.
Để lên đến chùa, khách thăm quan cần thử thách bản thân mình với 239 bậc đá ong. Nhưng nếu bạn có thể kiên trì, cảnh sắc phía trên của chùa Tây Phương sẽ không làm bạn thất vọng.
Quang cảnh khi bước qua cánh cổng chùa
Dựa vào núi, được xây theo kiểu chữ Tam, kiến trúc chùa Tây Phương đem lại cảm giác thiết kế tổng hế hài hòa, thống nhất giữa không gian núi rừng trầm tịch và thoáng đãng.
Điểm đặc sắc của ngôi chùa được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia này nằm ở các bước tượng nằm ở phía bên trong điện của chùa. Trong chùa có hơn 70 pho tượng cùng với các bức phù điêu, chủ yếu được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng, như các bộ tượng Tam Thế Phật, bộ tượng Di Đà Tam Tôn, tượng Tuyết Sơn, tượng Bồ tát Di Lặc, tượng Bồ tát Văn Thù, tượng Bồ tát Phổ Hiền, ... Nhiều pho được tạc cao hơn người thật như 8 pho tượng Kim Cương và Hộ Pháp, cao chừng 3 m, trang nghiêm phúc hậu. Phần lớn các tượng này đều được coi là có niên đại cuối thế kỷ 18. Một số tượng khác được tạc vào giữa thế kỷ 19.
Tượng Tuyết sơn miêu tả đức phật Thích Ca trong thời kỳ tu khổ hạnh
Đặc biệt là tượng 18 vị La Hán được thờ ở chùa Thượng. Đó là 18 vị Sư tổ của Phật giáo. 18 bức tượng là 18 cá thể, mỗi người một dạng vẻ, một tư thế, ai nấy đều có nét riêng biệt, chân thực. Khi tới thăm các pho tượng nơi đây không ai không liên tưởng tới bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương” (Huy Cận)
Những bức tượng tại chùa Tây Phương với những đường nét điêu khắc tinh xảo như có ma mị cuốn lấy người xem vào một vòng xoáy xúc cảm hị, nộ, ái, ố được diễn tả trên từng khuôn mặt của các vị La Hán. Bất cứ ai tới thăm nơi này cũng phải trầm trồ vì tài năng điêu khắc siêu việt của các tiền nhân đời trước. Những bức tượng Phật và các vị La Hán đã trở thành nét đặc sắc không chỉ riêng của chùa Tây Phương mà còn cả địa phương Thạch Thất vì vẻ đẹp độc nhất vô nhị của mình