AN YÊN QUÊN LỐI VỀ Ở TIÊN CẢNH NƠI TRẦN THẾ - ĐỊA TẠNG PHI LAI TỰ

AN YÊN QUÊN LỐI VỀ Ở TIÊN CẢNH NƠI TRẦN THẾ - ĐỊA TẠNG PHI LAI TỰ

Banner trang trong
  • THÁNG 12

    14

    Thứ 2

    Thứ 3 ngày 08/12/2020 vừa qua, Hạ may mắn được CEO Công ty Du lịch Hy Vọng (  cô Phan Hồng Châu Hong Chau Phan ) mời tham gia chương tình khảo sát tuyến điểm nổi bật ở Hà Nam. Trong đó, chùa Tam Chúc dã quá nổi tiếng với quy mô đồ sộ, hoành tráng, phong cảnh hữu tình được nhiều phật tử, du khách biết đến.

    Thế nhưng, hẳn chưa có nhiều người biết rằng Hà Nam còn có chùa Địa Tạng Phi Lai tọa lạc tại thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, Hà Nam, cách Hà Nội khoảng 70 km là chốn dừng chân an yên, thanh tịnh, chốn bồng lai tiên cảnh có thật nơi trần thế, tuyệt vời và lý tưởng cho tất cả những tín đồ đam mê bay nhảy. Từ những tâm hồn chất chứa bao vướng bận chẳng thể nào thoát ra, cho đến những du khách muốn tìm về với thiên nhiên, những điều giản đơn thuở sơ khai… đều muốn dừng chân thật lâu, thật lâu ở chốn này.

    Địa tạng Phi lai Tự có tên dân gian là Chùa Đùng
    Ảnh: Hồng Thảo

    Chùa Địa Tạng Phi Lai nằm ở vị trí đắc địa, trên một quả đồi với thế tựa lưng núi - phía sau là đồi thông, rừng cây, phía trước chùa đồng ruộng lúa mênh mông, tách biệt hẳn với khu dân cư nên vô cùng tĩnh lặng và thanh tịnh. Chùa được xây dựng với thế ngai vàng, tựa lưng vào núi, hai bên là tả Thanh Long - hữu Bạch Hổ, với nhiều cổ vật thiêng liêng, mang tính lịch sử, xung quanh là muôn vàn bóng thông reo. Núi cõng rừng già trên lưng, cõng những hoang sơ, tươi mát tựa thuở ngàn năm thiên nhiên ngưng tụ, cõng những bí mật về lịch sử nghìn năm trước cả thời đại Lý – Trần của dân tộc.

     

    Ảnh: Mai Khanh

     

    Ngay khi chạm chân đến đây, đầu óc Hạ dường như được đả thông với hương thơm của những gốc dạ mới gặt hòa quyện với cả cây, hoa lá trong sân chùa nào sen, súng, cúc, hoa chuối tan trong gió ùa đến. Đi đến đâu, Hạ cũng dễ dàng cảm nhận được mình có thích nơi đó hay không qua những mùi hương đặc trưng như thế và ngay từ những mùi hương đầu tiên ở Địa Tạng Phi Lai Tự, Hạ đã nghĩ rằng, đây là thứ mùi bấy lâu Hạ luôn kiếm tìm với sự thanh khiết, tinh khôi vô ngần.

     

    Ảnh: Mai Khanh

     

     

    Mùi hương ấn tượng, cộng hưởng với tiếng chuông gió leng keng, tiếng nước chảy róc rách, tiếng chim hót thánh thót, những cơn gió mát lành từ đồng ruộng thổi bay làn tóc, hoàng hôn dần buông trên đỉnh Phi Lai rót những giọt vàng óng ánh như mật ngọt khắp không gian, khói lam chiều bay bảng lảng, tạc vào lòng người những cảm xúc khó phai, một bức tranh tiên cảnh có thực.

     

    Ảnh: Mai Khanh

    Hạ và các cô, các bác trong Đoàn của Công ty Du lịch Hy Vọng được đến đây, trong lúc này dường như là sự sắp đặt, để mọi người được chiêm ngắm Địa Tạng Phi Lai Tự ở khoảnh khắc đẹp nhất, gặp gỡ những vị sư uyên bác nhất. Lẽ ra, theo lịch trình, buổi sáng Đoàn đã thăm chùa, nhưng vì xe to, lại không ai trong đoàn biết đường, balie chắn lối, hỏi thăm người dân và chạy lòng vòng một hồi vẫn chẳng tới nơi nên Đoàn di chuyển đến chùa Tam Chúc trước. Buổi chiều, xe của Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Hà Nam dẫn đường, Đoàn dễ dàng đến được ngôi chùa đúng thời khắc hoàng hôn.

     

     

    Bỏ giày dép, chân trần đi trên những phiến đá, nền gạch chùa Địa Tạng Phi Lai linh thiêng, Hạ cảm giác mình dường như được trở về nguyên bản, ngược thời gian làm đứa trẻ ngây ngô, được tìm về quê hương, cội nguồn. Bao u sầu, tất bật thường ngày dường như được trút bỏ ngay, nhường chỗ cho những thanh tịnh vô ngần.

    Có lẽ, ấn tượng nhất với Hạ và nhiều cô, bác trong Đoàn là khoảng sân trước khuôn viên chùa được trải sỏi màu trắng, ở giữa có lối đi bằng đá. Ngay trước tổ đường, 12 vòng tròn được vẽ trên nền sỏi tượng trưng cho cuộc đời của con người. 12 tròn tượng trưng cho nhân duyên, một là tất cả, tất cả là một. Một người trong Đoàn có hành vi không tốt sẽ ảnh hưởng đến cả Đoàn. Một người có hành động tốt sẽ gây tiếng thơm cho cả Đoàn. Đó là sự liên kết và cũng thể hiện sóng gió cuộc đời. Vòng tròn là phong ba, bão tố cuộc đời. Nhìn vòng 12 tròn hòa quyện rất đẹp, nó là điểm nhấn của bãi sỏi trắng. Nhờ có nó mà không gian trở nên thi vị, đẹp hơn nhưng xung quanh nó phải có những phút giây lắng đọng, những phút giây bình yên. Cuộc sống bộn bề, nhiều công việc, nhờ khó khăn, vất vả, vấp ngã trong cuộc sống mình có nhiều kinh nghiệm và trưởng thành hơn.

     

    Ảnh:  Mai Khanh

     

    Cũng giống như bố cục của các ngôi chùa truyền thống, công trình lớn nhất ở Địa Tạng Phi Lai Tự là tòa Tam Bảo. Tượng Đức Địa Tạng hiện lên sự hiền nhưng toát lên vẻ uy nghiêm, đặt trong tổng thể kiến trúc hài hòa lấy màu nâu, vàng, trắng làm chủ đạo.

    Ảnh: Mai Khanh

     

    Bên phải tòa Tam bảo là nhà thờ Tổ, nơi tôn nghiêm thờ 42 đời tổ sư từng trụ trì tại chùa. Ngoài ra còn có tòa điện nhỏ thờ Phật Bà Quan Thế Âm đặt giữa hồ sen, Đức Ông và Đức Thánh Hiền, khu nhà ở (dành cho Tăng ni – Phật tử ở trong chùa), khu giảng đường nơi các Tăng ni - Phật tử nghe sư trụ trì giảng đạo hàng ngày và diễn ra các khóa tu tại đây, khu nhà khách dành cho những du khách thập phương và những người tham gia các khóa tu, các trải nghiệm tại chùa.

    Gian thờ tổ

     

    Ảnh: Mai Khanh

     

    Ảnh: Mai Khanh

     

     

    Vì đã liên hệ trước, Đoàn may mắn được Thầy Thiện hướng dẫn tham quan và làm lễ. Thầy Thiện cho biết: “Theo lời kể của dân làng và qua tìm hiểu, chùa Đùng được xây dựng khoảng thế kỷ 10 với 120 gian chùa cổ. Rất nhiều đời vua chúa đã về đây. Đến khoảng thế kỷ thứ 17, vua Tự Đức có về đây cầu con, và khi xuống đến chân núi, nhà vua có nói: Phi Lai. Nghĩa của từ này khá rộng, có thể hiểu là sẽ quay trở lại, cũng có thể sẽ không bao giờ quay trở lại nữa. Chùa được đặt tên mới là Địa Tạng Phi Lai Tự - có nghĩa là Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát luôn luôn đến nơi này, cũng có thể Đức Địa Tạng không bao giờ đến nơi này. Mà nơi nào Đức Địa Tạng không về thì nơi đó thành Phật rồi”.

    Trên đỉnh Phi Lai có tháp Phổ Đồng, là nơi yên nghỉ của hơn 40 đời tổ sư được xây dựng vào thời Lý – Trần. Sau chiến thắng quân Chiêm Thành, các tù binh được đưa về chùa Đùng xây dựng tháp nên gạch ngói nơi này mang kiến trúc Chăm-pa rõ rệt. Nhiều mẫu gạch cổ sau mưa gió phát lộ, thi thoảng vẫn được sư thầy và các chú tiểu ở chùa tìm thấy và lưu giữ cẩn thận.

    Thầy Thiện cho hay, sở dĩ khi đặt tên chùa, Đại đức Thích Minh Quang thêm hai từ “Địa Tạng” phía trước vì tất cả tượng trong chùa đều được đúc bằng đất.

    Thầy Thiện cho biết, riêng pho Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, trên đỉnh đầu ngài có 1 viên xá lợi màu trắng bằng xương của đức Phật. Bên trong mình ngài có pho tượng cổ ở chùa cũ và đặt tạng kinh Việt Nam và gần 1.000 cuốn kinh địa tạng chép bằng tay của phật tử khắp nơi gửi vào. Có nhiều người sắp ra đi cũng trích máu chép kinh để trong thân ngài. Bên dưới tòa ngài ngồi là thất bảo là 7 đồ quý của thế gian gồm vàng, bạc, kim ngân, châu báu… điều đó chứng minh những đồ quý của thế gian cũng chỉ là đồ lót chỗ ngồi cho ngài. Bên dưới là con Ma Vương Ban Tuần, ngài ngự phục nó.

    Ngự uy nghi đôi bên tả hữu tòa thượng điện là hai ban thờ đức Thánh Hiền và đức Chúa Ông, lối thờ ấy có lẽ chỉ tìm thấy được tại Việt Nam. Đức Chúa Ông là cách mà người dân Việt thuở xưa dành để gọi trưởng giả Cấp Cô Độc, người giàu lòng yêu thương, san sẻ của cải để giúp cơm ăn áo mặc hết thảy kẻ khó nghèo trên đời.

    Đức Thánh Hiền, có lẽ chẳng ai xa lạ, chính là Tôn giả A-nan, thị giả của Đức Phật, người đã vì nhân duyên nhập định thấy Tiêu Diện đại sĩ, vâng lời Phật dạy mà đặt bày phép thí thực, cứu vớt cho những vong hồn thống khổ, đói khát. Tìm đến chùa, người ta nương tựa nơi đức Chúa Ông để tìm sự bình an cho cõi dương, cho sự “sinh”, còn đức Thánh Hiền lại là bậc đoái thương cho cõi âm, cho sự “tử”.

    Đoàn may mắn được Thầy Thiện hướng dẫn tham quan và làm lễ cầu bình an may mắn

    Nhưng ở nơi sự “tử”, dường như người Việt lại đặt nếp nghĩ cho một điều gì rộng lớn hơn, vượt ra ngoài giới hạn cá nhân “của mình”, thuộc về mình. Người ta hướng lòng không chỉ riêng đến những người thân thuộc quá vãng, mà còn cho những phần số bất hạnh mạng vong vì nạn tai khôn lường của cuộc dời đổi, đeo mang nỗi bất bình, oan kết chẳng thể tiêu tan.

    Tượng đức Thánh Hiền bao giờ cũng được tạc trong tư thế tay nâng bát nước tịnh- thứ nước có công năng làm mát dịu oán hờn. Những phần lễ cúng cô hồn, đàn tràng độ vong với nén hương, mâm áo, miếng cháo lá đa bày la liệt khắp nơi nơi mỗi tiết tháng Bảy cũng xuất phát từ sự thương tình cho những kẻ khổ nạn vô hình lẩn khuất khắp bụi bờ. Bát nước dành riêng để chữa lành rách nát trong tâm, mâm thí thực mong làm dịu bao lòng đang cơn đói khát, chính bằng những điều như vậy, tình thương cứ âm thầm len lỏi khắp muôn nơi.

    Trong ngôi chùa còn lưu lại nhiều cổ vật linh thiêng và linh vật phát lộ tự nhiên mang tính lịch sử được tìm thấy trong quá trình xây dựng như: tượng hình chim Garuda, ngói mũi hài, chân tảng hoa sen, gạch hình rồng, bia khắc đá viền công phượng và nhiều đồ gốm sứ khác… Đó là những “minh chứng sống” cho lịch sử ngôi chùa, lịch sử mảnh đất Thanh Liêm cho ai có duyên về chùa cùng chiêm ngưỡng.

    Bảo tàng nơi trừng bày những cổ vật tìm thấy trong chùa trong quá trình xây dựng

    Sau khi tham quan chùa, thầy Thiện đặc biệt mời Đoàn thưởng thức trà sen ở gian trà thất nhỏ, chưa tối đa 30 người, mà không phải du khách nào cũng nghiễm nhiên được đặt chân tới. Bao quanh gian phòng là hồ quanh năm ăm ắp nước, hoa lá, cây cối bao quanh, đan cài hài hòa. Nhấp chén trà sen nóng hổi, khói bay nghi ngút trong tiết se lạnh chiều tà ngày Đông se lạnh, ngắm những cổ vật ngàn năm, thấy cuộc sống này trở nên ý nghĩa vô cùng.

     

     

    Ảnh: Hồng Thảo

     

    Đến với Địa Tạng Phi Lai Tự, du khách còn được trải nghiệm leo núi. Men theo triền núi từ phía bên phải của chùa, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những hang đá cùng thảm thực vật xanh tốt, thỉnh thoảng, lau nở trắng xóa một vùng thơ mộng. Rải rác trên núi là những ngôi nhà tranh vách đất chuẩn kiến trúc vùng quê Bắc Bộ, với ngô, lúa, hành tỏi, ớt khô treo bên mái hiên ấm cúng. Đó là những ngôi nhà để thầy thuốc bắt bệnh, hay nhà của các vị sư trong chùa nghỉ ngơi khi đêm về.

     

    Ảnh: Mai Khanh

     

    Lau nở trắng rừng, dưới những tán lá thông.
    Ảnh: Mai Khanh

     

    Những ngôi nhà bình dị, mang lại cảm giác thân thương ở vùng miền quê Bắc Bộ

     

    Trên đồi, trên núi, mỗi chiếc lá, nhành cây cũng là một sự diệu kỳ, mang trong đó nắng, mưa, những trôi chảy của nhịp đời. Khi non tơ, lúc xanh tươi, phút úa tàn… Dù bật mầm hay héo úa, mọi khoảnh khắc trôi qua với lá luôn là đẹp nhất. Vì lá đang sống trong hiện tại, được hiện hữu dưới mặt trời…

    Đứng từ trên đỉnh núi cao vào ban đêm, bạn sẽ được gom vào tầm mắt toàn cảnh ngôi chùa rực rỡ ánh đèn trong rừng thông giờ đã chuyển màu đen tuyền, khắp các quả đồi, dãy núi bao quanh chùa đèn thắp sắng như những ngôi sao lấp lánh khiến không gian đã huyền ảo càng trở nên diệu vợi vô cùng.

    Nhưng điều tuyệt vời nhất Hạ và các cô, bác trong Đoàn có lẽ là được thầy Thiện dẫn tới gặp sư trụ trì chùa Địa Tạng Phi Lai- Đại đức Thích Minh Quang. Ấn tượng đầu tiên của Hạ khi gặp Thầy là dẫu có sư nấu đồ ăn, nhưng Thầy vẫn tự luộc măng rừng vừa mới hái được sau ngày dài thám hiểm, tìm những con đường mới cho phật tử, du khách đến chùa trecking, rèn luyện sức khỏe.

    Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, Thầy mời chúng tôi cốc trà xanh hái ban sớm khi còn ướt đẫm sương đêm trên núi. Chén trà đã trôi tận đâu mà vị ngọt, hương thơm nồng nàn vẫn đọng nơi đầu lưỡi.

    Góc bếp đơn sơ trong tịnh xá của Thầy trụ trì
    Ảnh: Hồng Thảo

    Thầy từ chối chụp ảnh và nhìn các thành viên trong Đoàn, đa số đều là U50, 60, 70 nên Thầy khuyên 6 điều của người già khi có tuổi. Trước tiên là phải tôn trọng sự thật thì mới hạnh phúc. Mình già rồi mà có người bảo ông/ bà già thế, mình tự ái. Mình lùn, người ta bảo thấp thế, mình lại buồn… Buồn vì mình không tôn trọng sự thật mà thôi. Thứ hai là không bán nhà đi ở với con. Ba là không ở cùng, chỉ ở gần, ở gần chúng biến mình thành con ở. Thứ tư, không trông cháu, chỉ chăm cháu, thỉnh thoảng chăm cháu là phải mang đến nhà mình và phải biếu đồng quà tấm bánh. Thứ 5, không được từ chối khi con cháu cho tiền dù nhiều hay ít để con cái thấy được niềm hạnh phúc khi được phụng sự cha mẹ. Thứ sáu, không can thiệp, lấn sâu vào đời sống, công việc của các con. Đến giờ, Hạ vẫn thuộc làu 5 lời dạy của Thầy.

     

    Ảnh: Mai Khanh

    Tiễn Đoàn ra xe, thầy Thiện bảo chúng tôi, Địa Tạng Phi Lai Tự là nhà của mọi người, mọi người hãy trở về nhà bất cứ khi nào muốn, khi nào cần, và cả khi có thời gian rảnh rỗi. “Mái già lam mang tên Địa Tạng Phi Lai Tự mãi chào đón các con- những cánh chim mải mê bay khắp bốn phương trời trở về đây để lắng dịu đi những mệt mỏi bận rộn, tâm thanh tịnh hòa nhịp cùng niềm an vui chảy từ mạch nguồn tâm linh đất Tổ”, Thầy Thiện nhắn nhủ.

     

     

    Đến Địa Tạng Phi Lai, Hạ thấy cuộc đời như gió thoáng qua. Hạ muốn được làm bông hoa, mỗi ngày đều nở hết mình. Ở đây, Hạ cảm thấy trong thẳm sâu con người mình được nương tựa, được tự bình an và lãng quên âu lo trên chính hơi thở, bước chân đang sống, đang yêu thương của mình.

    Cho đến giờ phút này, đây là ngôi chùa Hạ thực sự yêu quý nhất, thấy an yên nhất, thấy gần gũi, thân thương nhất!!!

    Chùa Địa Tạng Phi Lai đích thực là chốn bình yên, thiền tịnh với cảnh đẹp mộng mơ, không khí khoáng đạt, trong lành, mang đến cho bạn những cảm xúc thăng hoa và những bức ảnh đẹp như trong phim cổ trang.

     

    Khung cảnh đẹp và thanh bình, tựa nơi tiên cảnh
    Ảnh: Hồng Thảo

     

    Không tin, hãy một lần đến và trải nghiệm nhé! Hạ chắc chắn là muốn cùng gia đình, bạn bè đến đây thêm thật nhiều lần nữa. Và Hạ tin, còn rất nhiều bí mật Hạ chưa được khám phá ở chốn này.

     

     

    Bật mí là nhà chùa có cho phật tử, du khách nghỉ qua đêm nếu liên hệ trước nhé ạ!

    Cách di chuyển đến Địa Tạng Phi Lai Tự:

    Nếu xuất phát từ Hà Nội bằng xe máy, đi theo quốc lộ 1A cũ qua Thường Tín, Phủ Lý Hà Nam và theo Google Map là “Chùa Địa Tạng (chùa Đùng), Liêm Sơn, Thanh Liêm, Hà Nam” là tới.

    Nếu du khách đi ô tô tự lái, thì đi hướng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, rời cao tốc ở điểm Liêm Tuyền – Hà Nam, di chuyển đến quốc lộ 1A cũ đến cây xăng Kim Cường - Thanh Liêm, Hà Nam, rẽ vào Ngã Ba Xuân Trường và có thể tìm theo google map đi tiếp 5km là tới chùa.

    Bài viết: Hồ Hạ ( Báo Đầu Tư)

     

    Liên hệ mua vé  PHÒNG VÉ HY VỌNG

    112A Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội

    Hotline: 091 945 9393

    Skype: hyvong112.

    www.espc.vn | www.ubuk.com

    #esperantotur #phongvehyvong

    #ubuk #ubukdotcom #tanhuongkhibay

     

Thong ke

TIN TỨC MỚI NHẤT

Lịch