Đất võ Bình Định luôn níu chân du khách với rất nhiều những nét văn hóa độc đáo và phong cảnh hữu tình nên thơ. Đặc biệt ẩm thực xứ Bình Định sẽ khiến bạn say đắm mà không thể cưỡng lại được. 10 món đặc sản mà đã đến Bình Định thì bạn không thể bỏ qua nhé!
1. Bún chả cá Quy Nhơn
Nếu có dịp ghé thăm Bình Định, sẽ là một thiếu sót vô cùng lớn nếu du khách không một lần thử thưởng thức món bún chả cá Quy Nhơn trứ danh. Điều làm nên điểm nhấn cho món bún chả cá Quy Nhơn chính là phần chả cá. Được làm từ những con cá thu bóng bẩy, mập mạp, ngọt thịt, những miếng chả cá ở đây có độ tròn dày vừa phải và cực kì láng mịn. Thêm vào đó, nước lèo với vị ngọt tự nhiên do được nấu từ đầu và xương cá thu khiến cho ngay cả những thực khách khó tính cũng phải bị chinh phục.
2. Mắm nhum Mỹ An
Nhắc đến mắm nhiều người sẽ ngần ngại để thử nhưng mắm nhum sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại đó. Do không phổ biến giống như các loại mắm khác nên nhiều khi, có tiền cũng không thể mua được mắm nhum. Đây là món đặc sản chỉ dùng để dành tặng người thân hoặc tiếp đãi khách quý. Nhum có rất nhiều loại nhưng để muối mắm thì nhất thiết phải là nhum ta màu đen. Sau khi cắt sơ những chiếc gai nhọn đâm ra tua tủa xung quanh con nhum, người ta khoét một lỗ ngay miệng nhum và khéo léo lấy thịt nhum ra. Tiếp theo, thịt nhum được cho vào trong chum sành và rắc muối hạt lên. Chum nhum này được đem vùi vào bếp tro hoặc "rang” bằng nắng trong khoảng 10 đến 15 ngày, khi chín sẽ tạo thành loại mắm nhum nhuyễn tan, sền sệt với màu đỏ đục và hương thơm nức.
3. Gié bò Tây Sơn
Được chế biến chủ yếu từ ruột non của con bò, gié bò không phải là một món dễ ăn với nhiều người.
Khi mổ bò, người ta sẽ chọn ra khúc ruột non ngon nhất và vẫn còn tươi. Phía bên trong ruột còn chất nhầy xanh trong gọi là gié. Phần gié trong ruột non được xổ ra và để riêng, ướp tiêu, muối, hành và tỏi băm nhỏ trong khoảng 15 phút cho ngấm. Sau đó, đun nóng dầu, phi hành thơm và cho gié đã được ướp vào xào tới khi chín. Người ta đổ nước dừa tươi vào nấu sôi trong khoảng 15 phút, vớt kĩ hết bọt và để nguội lấy nước.
Ruột non và gan bò được cắt miếng vuông hoặc cắt đoạn rồi ướp với muối, tiêu, hành, tỏi, sau đó phi nóng dầu xào cho ruột và gan dậy mùi thơm rồi để cho nguội. Phần huyết bò được đem luộc chín ngay sau khi vừa cắt tiết và cắt cỡ miếng gan. Tất cả những nguyên liệu trên được cho vào trong nồi nấu chung với nước gié. Trong khi nấu, người ta cho thêm gừng nướng, sả cây, tai vị đập dập vào để khử hết mùi. Cuối cùng cho lá giang đã được rửa sạch, vò nát vào để nồi gié có vị chua, nêm gia vị cho vừa ăn. Khi bưng ra, tô gié còn nóng hổi, thực khách sẽ thấy nước gié màu nâu và có hơi ánh xanh. Dọn thêm bánh tráng mè nướng, rau sống và bún tươi ra thưởng thức thì tuyệt ngon.
4. Bún tôm Châu Trúc
Để có một tô bún tôm thật ngon cho thực khách thưởng thức là cả một quá trình với nhiều công đoạn cầu kỳ. Đầu tiên, người ta ngâm gạo vào nước cho mềm rồi đem xay, cho vào một túi vải để ráo nước và đưa vào cối giã nhuyễn. Mỗi cối bột là một dặn, khi ép bún từ dặn, bún sẽ chạy thẳng vào nồi nước luộc. Tiếp đến, người ta chọn tôm còn sống lấy từ đầm Châu Trúc rồi bỏ vào cối giã nhuyễn cùng với ít muối và ớt…
Khi thực khách thưởng thức, người bán sẽ gẩy một đũa thịt tôm vào bát, thêm chút nước mắm, bột ngọt và múc nước luộc bún đang sôi đổ vào bát rồi khuấy đều lên. Cuối cùng, cho bún vào và rắc vài cọng hành ngò, thêm chút tiêu. Món bún tôm Châu Trúc sẽ được dọn kèm với bánh tráng nướng giòn thơm.
5. Bánh hỏi Diêu Trì
Món đặc sản này nổi tiếng nhất vẫn là của vùng Diêu Trì, khi ăn ta mới cảm hết được cái hương vị đặc trưng không đâu sánh bằng. Người ta lấy gạo tám thơm vo kỹ, ngâm nước trong một đêm rồi vớt ráo, xay nhuyễn gạo bằng cối đá. Bột nước được cho vào trong bao vải khô rồi để cho ráo nước. Phần bột này được hấp vừa đủ chín. Người ta nhồi và chia bột thành từng khối khoảng nửa ký và gọi là “giảo” bột. Giảo bột sẽ được cho vào khuôn ép thành bánh và đem hấp vừa đủ chín.
Người ta thường ăn bánh hỏi kèm với thịt nướng nhưng nếu bước vào một quán bánh hỏi ở Diêu Trì, thực khách gọi món này sẽ được thưởng thức thêm 2 món nữa là cháo vào lòng.
Cháo khá loãng và được nấu bằng huyết ninh với thịt nạc băm. Bên cạnh tô cháo nóng hổi sẽ là đĩa lòng heo gồm dồi, tim, gan. Những thứ này khi ăn kèm với bánh hỏi sẽ giúp bánh trở nên ngon ngọt và béo khác thường.
6. Bánh xèo Mỹ Cang
Tôm là loại tôm đất sống ở đầm Thị Nại, gạo được xay từ loại lúa mọc trên cánh đồng khu Đông. Nước chấm cũng phải được pha chế từ nước mắm nguyên chất…
Thứ bánh xèo ăn kèm là bánh tráng gạo nguyên chất, rau sống và một ít xoài, dưa leo xắt mỏng cùng chén nước mắm màu vàng ươm mang đậm hương vị miền biển. Khi thưởng thức bánh xèo Mỹ Càng, thực khách sẽ cảm nhận vị ngọt của tôm tươi, một chút chua của xoài, vị chát của chuối cùng cái giòn giòn của gạo đủ lửa. Tất cả hòa quyện lại thành một món ăn vô cùng hấp dẫn.
7. Rượu Bàu Đá
Rượu bàu đá rất nồng, uống vào nhanh say nhưng khi tỉnh sẽ không có cảm giác mệt mỏi. Để có một thứ rượu ngon, người nấu phải tuân thủ theo những yêu cầu rất nghiêm ngặt về gạo, nguồn nước, men và dụng cụ nấu. Thêm vào đó là những kinh nghiệm gia truyền. Khi nấu, không được dùng nồi nhôm mà phải dùng nồi đồng và đậy bằng đất nung. Rượu được cất bằng ống tre và phải được chưng bằng lửa nhỏ mới vắt cạn được hết tinh chất của gạo.
8. Bún song thằn
Sở dĩ loại bún này có tên là “song thằn” vì khi làm bún, người ta thường bắt dây bún thành từng đôi một. Loại bún song thần không chỉ nổi tiếng nhờ hương vị thơm ngon mà còn có giá trị dinh dưỡng rất cao vì được làm từ đậu xanh.
Cách chế biến món bún này rất kỳ công. Để làm bún, bước đầu tiên, người thợ sẽ phải nhào bột với nước lạnh cho thật đều. Cái khó là khi nhào bột không được để quá nhão hoặc quá khô. Bột sau đó được cho vào một cái rá có đục nhiều lỗ nhỏ li ti. Người ta vừa nặn cho bột chảy qua lỗ, vừa phải rê đều trên mặt chảo nước sôi. Bột khi chín tạo thành bún, được vớt ra và rải lên tấm vỉ tre rồi đem đi phơi nắng cho khô. Đến lúc khô, người ta lại đợi qua đêm cho bún dịu rồi mới xếp thành từng bó. Bún song thằn có sợi màu trắng trong, óng ánh. Khi cho bún vào nước sôi không tạo hồ. Dù đun nước sôi bao lâu thì sợi bún vẫn dai. Bún song thằn được đem nấu với thịt nạc hay tôm đều sẽ khiến thực khách khó lòng chối từ.
9. Nem chợ Huyện
Không ngọt như nem An Cựu, nem Lai Vung hay mềm như nem Thủ Đức, nem chợ Huyện sần sật, dai dai, giòn giòn với vị ngọt thanh đã miệng. Nem tươi ăn đã ngon nhưng khi được nướng với than, ăn kèm bánh, chả ram, tía tô, chuối, rau mùi, rau răm, dưa leo, khế xắt nhỏ, xì dầu hoặc nước chấm và vài trái ớt, múi tỏi lại càng hấp dẫn.
10. Cua huỳnh đế
Là đặc sản nổi tiếng của vùng biển Đề Gi và Tam Quan, cua huỳnh đế sở hữu một bộ áo giáo dày và cứng với màu vàng rực tựa như hoàng bào. Xuôi theo mình cua là những gai nhọn li ti, que và càng to với cạnh sắc như dao. Có rất nhiều cách để chế biến loại cua này như nướng, hấp… Và đặc biệt, cua huỳnh đế còn được người dân địa phương chế biến thành món um mặn ăn với cơm hay nồi cháo có lớp mỡ hành vàng sánh bên trên, lẫn cùng nước gạch màu đỏ và những thớ thịt cua màu trắng.
Du lịch trải nghiệm Bình Định không chỉ làm thăm thú cảnh quan tìm hiểu con người mà là sống với văn hóa Bình Định qua từng món ăn đặc sản mang đậm hơi thở mảnh đất nơi đây. Hãy thưởng cho mình một chuyến đi đến Bình Định bạn sẽ không bao giờ phải hối hận.
Tin liên quan:
>> Trải nghiệm Đà Nẵng – “thành phố đáng sống” của Việt Nam
>> Bạn có dám đến An Giang du lịch?